MTTQ đồng hành cùng các tôn giáo chăm sóc người yếu thế
VOV.VN -Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các tôn giáo trong việc chăm sóc cho người yếu thế.
Sáng nay (24/2), tại TPHCM, lần đầu tiên diễn ra hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. |
Tiêu biểu như: Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang, tỉnh Kiên Giang mỗi năm dạy học văn hoá cho trên 200 em, kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Trường Trung cấp nghề Hoà Bình, thuộc Toà Giám mục Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có 9 khoa chuyên ngành, đào tạo trên 600 học viên ra trường có việc làm và thu nhập ổn định. Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Sơn Ca, tỉnh Thừa Thiên - Huế vận động xây dựng trường học trị giá 10 tỷ đồng, hàng năm làm từ thiện hàng tỷ đồng…
Những kinh nghiệm, kiến nghị, giải pháp cũng được các chức sắc tôn giáo, các ngành liên quan nêu ra nhằm hoàn thiện các quy định, làm tốt hơn công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề trong các cơ sở tôn giáo thời gian tới…
Các chức sắc tôn giáo tham dự hội nghị. |
“Ngành Lao động - Thương binh - Xã hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các tôn giáo trong việc chăm sóc cho những người yếu thế trong xã hội. Làm cho họ thấy rằng đã được sinh ra trong đời này, dù mình còn rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn còn có những lúc ấm áp, vẫn còn có những nơi nương tựa, những người nói với mình những lời ấm lòng lúc mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Hiện nay gần 12.000 đối tượng bảo trợ xã hội như: trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, người tâm thần được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo trong cả nước. 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, hàng năm đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2.000 người.
Những năm qua, bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, các tổ chức tôn giáo trong cả nước đã tổ chức nhiều mô hình bảo trợ xã hội, dạy nghề cho các đối tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên từng địa bàn dân cư. Đa số các cơ sở tôn giáo đều thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về đăng ký hoạt động, tiếp nhận, chăm sóc các đối tượng yếu thế./.
Thủ tướng tin tưởng vào sự đóng góp của các tôn giáo với đất nước