Mua bán động vật hoang dã, con người đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm
VOV.VN - Mua bán động vật hoang dã xuyên quốc gia có thể làm lây lan, phát tán virus corona và các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, hoạt động phòng ngừa dịch bệnh cần phải tập trung vào các tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Theo nghiên cứu gần đây nhất của Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), kết quả thu thập các mẫu bệnh phẩm của động vật hoang dã từ các trang trại, chợ, nhà hàng, từ các sản phẩm buôn bán trái phép, đã phát hiện nhiều virus truyền nhiễm mới, gồm 5 virus corona, 2 virus herpes (bệnh thủy đậu, mụn rộp, zona) và 14 virus Rhabdo (gây bệnh dại).
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Tổ chức WCS - Chương trình Việt Nam) nhận định, kết quả thu được là những bằng chứng củng cố cho việc buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia có thể làm lây lan, phát tán virus corona và các virus truyền nhiễm khác trong chuỗi buôn bán. Đồng thời, kết quả nghiên cứu còn là minh chứng cho thấy, hoạt động phòng ngừa dịch bệnh cần phải tập trung vào các tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Cũng theo tổ chức WCS, từ năm 2018 đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 1.000 vụ bắt giữ động vật hoang dã (khoảng 114 loài động vật hoang dã), trong đó có hơn 21.000 cá thể, bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã; hơn 110 tấn bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã. Các chuyên gia của tổ chức này đã phát hiện các mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Trong đó, có 157 mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật, trong đó có 116 mầm bệnh phát hiện trên động vật hoang dã, 54 mầm bệnh phát hiện trên động vật nuôi.
Sau 10 năm nghiên cứu đánh giá các loài nguy cơ cao như linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt, các nhà nghiên cứu của tổ chức đã tiến hành xét nghiệm tập trung vào tác nhân gây bệnh có khả năng lây truyền giữa người và động vật: Corona virus (gây bệnh điển hình như SARS, Hội chứng hô hấp Mers, COVID-19) cho thấy có 5 virus mới, 9 virus đã biết chủ yếu ở khu vực trang trại, chợ, thu phân dơi, nhà hàng, buôn bán. Đặc biệt, phát hiện virus có nguồn gốc từ dơi ở mẫu phân và mẫu môi trường của động vật gặm nhấm nuôi tại trang trại động vật hoang dã.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề tài cũng phát hiện 2 virus herpes (bệnh thủy đậu, mụn rộp, zona) mới và 14 virus Rhabdo (gây bệnh dại) mới. Một nghiên cứu khác của WCS cho thấy, có tỷ lệ lớn virus corona trên mẫu thu thập từ các loài động vật hoang dã được buôn bán làm thực phẩm cho con người, và tỷ lệ dương tính với virus corona cũng tăng lên đáng kể khi các loài động vật hoang dã được vận chuyển từ tay các thương lái tới các khu chợ và sau cùng là chuyển tới các nhà hàng.
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam nhấn mạnh, các đại dịch có thể ngăn ngừa bằng cách giảm thiểu các nguy cơ lan truyền dịch bệnh từ động vật sang người tại các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Các biện pháp can thiệp nếu muốn thành công phải hướng tới mục tiêu giảm thiểu đáng kể số lượng và mức độ đa dạng của các loài động vật bị buôn bán, cũng như số người tham gia vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
“Hoạt động buôn bán động vật hoang dã đang góp phần đưa con người tiếp xúc gần hơn với nhiều loài hoang dã có khả năng phát tán virus corona. Điều này dẫn tới nguy cơ lây truyền virus trong loài và giữa các loài với nhau và làm tăng khả năng kết hợp của các chủng virus corona với nhau. Chuỗi cung ứng động vật hoang dã từ trang trại và tự nhiên tới nhà hàng tạo ra vô số cơ hội dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Do đó, chỉ có hạn chế hoạt động giết mổ, gây nuôi thương mại, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, chế biến và tiêu thụ động vật hoang dã mới ngăn chặn nguy cơ xuất hiện dịch bệnh truyền nhiễm mới”, tổ chức WCS khuyến cáo.