Mua bán qua mạng: Ngàn lẻ một kiểu lừa

Không ít người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo online bởi không phải hàng nào được rao bán trên mạng “cũng tốt, cũng rẻ”, người mua bán nào cũng trung thực.

Xuất hiện nhiều kiểu lừa

Minh Khanh, 23 tuổi, chủ blog bán quần áo thời trang, từng gặp phải một bài học xương máu. Khách giao dịch với nickname cobexinh08 hẹn ngày, giờ giao hàng với hóa đơn mua hàng gần 2.000.000 đồng. Ngày giao dịch, Khanh đến điểm hẹn đúng giờ, chờ gần hai tiếng đồng hồ, vẫn không thấy khách đến nhận hàng. Khanh gọi điện, di động của khách khóa máy. Cuối cùng, Khanh đành lủi thủi đi về.

Chị Hà, chủ một “gian hàng” thời trang công sở trên mạng cho biết, vì không có thời gian để đi nhập hàng trực tiếp, chị đành phải nhập hàng ngay trên mạng. Mỗi lần nhập thường với số lượng lớn, có khi trên dưới 20 triệu đồng và phải đặt tiền trước từ 70% - 100%. Do chưa có kinh nghiệm, mới đây Hà đã mất trắng hơn 10 triệu đồng tiền đặt cọc cho một shop online khi vừa chuyển tiền xong thì shop này “lặn tăm”, không để lại “vết tích”.

Trên diễn đàn muare.vn xôn xao về việc lừa đảo đặt mua túi hàng hiệu có giá hàng ngàn USD mà chỉ nhận được túi hàng fake (hàng “nhái”). Nguyễn Huỳnh Phương Thảo - người có nick “vanilaheart”, nạn nhân của vụ lừa đảo trên kể: Thảo đặt mua 2 chiếc túi Marc Jacob với giá 1.640USD của một người tên Tô Lan Hương (nick là “giunlun” - cũng là một thành viên lâu năm của diễn đàn muare.vn), nhưng khi nhận hàng mới phát hiện 2 chiếc túi trên là hàng nhái.

Và mới nhất là vụ Nguyễn Thị Thu Trang - 1B Trần Tế Xương, Hà Nội, một thành viên trang web muare.vn có nick là ToChanh và Trangleather, rao bán “hàng hiệu nhái” khiến không ít thành viên trên các trang mua bán bị lừa với số tiền lên đến vài trăm triệu.

Người tiêu dùng tự bảo vệ mình

Chuộng hàng hiệu, sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để sở hữu một món đồ của thương hiệu mình yêu thích nhưng nhiều người vẫn bị lừa bởi chiêu quảng cáo đánh trúng tâm lý thích “hàng hiệu giá rẻ” như: “Hàng xịn giá rẻ (rẻ hơn từ 10-50% so với giá công bố), 100% chính hãng, mới 100%, do may mắn và có “bí kíp” lấy hàng mới được giá rẻ như vậy”… Những chiêu quảng cáo kiểu này dễ dàng được nhiều NTD cả tin chấp nhận ngay cả khi người bán thừa nhận ngoài hàng xịn còn bán song song cả hàng nhái cao cấp.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát “gian thương Internet” hiện vô cùng khó khăn bởi việc giao dịch trên mạng hầu như không thể kiểm soát nổi. Các admin chủ yếu chỉ kiểm soát những thành viên bán hàng cấm, nhạy cảm, còn việc ai bán hàng giả, hàng không đúng chất lượng như quảng cáo thì chỉ khi xảy ra những vụ kiện cáo, tố cáo nhau mới bị lộ tẩy, tuỳ theo mức độ mà xử lý. Dễ dàng chấp nhận bỏ tiền triệu mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ vì nó được dán mác thương hiệu “xịn” và một lời đảm bảo của người bán hàng không rõ gốc tích, nhiều NTD đang tạo điều kiện để các gian thương làm giàu trên mồ hôi công sức của mình.

Đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh cho biết khi gặp sự cố, trước tiên NTD cần liên lạc trực tiếp với nơi mua bán hàng để khiếu nại. NTD cũng nên tìm đến những website có địa chỉ giao dịch cụ thể, đăng ký kinh doanh hợp pháp nhằm tránh trường hợp mua nhầm hàng giả không thể kiện được phía bán hàng. Muốn mua hàng qua mạng thì trước khi mua nên tìm hiểu kỹ thông tin về người bán hàng, xem những ý kiến phản hồi của những người mua hàng. Đối với những món đồ đắt tiền, tốt nhất nên nhờ những người có kinh nghiệm xem hộ. NTD phải tự trang bị kiến thức, cẩn trọng và tự bảo vệ mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS