Mùa đông và nỗi niềm thầy cô giáo vùng cao

VOV.VN - Tâm huyết với sự nghiệp trồng người, hết lòng với học sinh, nhiều giáo viên đã không quản ngại cái rét để lên vùng cao dạy chữ

Ở độ cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển, mùa đông tại xã vùng cao đặc biệt khó khăn Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai nhiệt độ có lúc xuống âm 2 độ, nhưng nơi đây ngày ngày vẫn vang lên tiếng đánh vần, tiếng hát từ các lớp học và điểm trường. Tâm huyết với sự nghiệp trồng người, hết lòng với học sinh, nhiều giáo viên đã không quản ngại khó khăn vất vả để lên vùng cao dạy chữ và mong muốn có nhiều chương trình áo ấm mùa đông đến với học sinh nghèo của mình.

Chiến thắng cái lạnh để mang cái chữ cho các em.

Ở xã Quan Thần Sán, năm nào mùa đông cũng đến sớm hơn so với những nơi khác. Tháng 10, khi nhiều nơi mới cảm nhận cái lạnh se se vào buổi sớm, thì nơi đây đã giá lạnh, sương mù dày đặc. Dù vậy ngay từ sáng sớm, các giáo viên đã vượt dốc leo đèo đến với phân trường vùng cao, truyền dạy kiến thức cho học sinh bằng tâm huyết và trách nhiệm của người thầy.

 Tại Trường tiểu học Quan Thần Sán, trong sương mù bao phủ vẫn vang lên tiếng trẻ đọc sách, tiếng thầy cô giáo giảng bài đã góp phần xua đi cái giá lạnh của vùng cao. 100% học sinh của trường là con em đồng bào Mông, nhiều em hằng ngày phải vượt 2-3 km đèo dốc để đến trường. Những mái tóc, chiếc váy xòe còn vương những giọt sương sớm, nhưng tại các lớp học tiếng trẻ bi bô luyện âm, cặm cụi, nắn nót từng con chữ.

 Ngay từ sáng sớm cô giáo Phạm Thị Hồng Hạnh cùng các giáo viên khác đã leo dốc, vượt đèo, đến với điểm trường học sinh vùng cao. Cô Hạnh cho biết, tốt nghiệp Sư phạm, từ quê hương Yên Lập, Phú Thọ lên đây công tác đã 5 năm, ba cùng với người dân vùng cao  nên cô đã tích lũy được những kinh nghiệm quý về phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh. Nhưng điều cô luôn trăn trở và lo lắng cho học sinh của mình là mỗi khi mùa đông về. Cô giáo Phạm Thị Hồng Hạnh chia sẻ: “Mùa rét bao giờ ở đây cũng chênh lệch nhiệt độ so với miền xuôi từ 5 đến 7 độ cho nên các em trên này đi học rất khó khăn. Nhiều em đi học vẫn còn trong cảnh là quần áo không đủ ấm, đi chân trần. Em mong muốn được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và các nhà tài trợ để giúp các em đến trường trong mùa đông giá rét này được ấm áp hơn”.

 Trường Tiểu học Quan Thần Sán có hơn 200 học sinh với 27 thầy cô giáo. Một ngày với các thầy cô giáo nơi đây luôn tất bật, từ sáng sớm ngay cả khi trời còn chưa sáng, các thầy cô đã chuẩn bị hành trang lên núi, đến chiều buông mới tất tả trở về gia đình. Mùa đông trên vùng cao lạnh lắm, nhưng  nhiều học sinh vẫn phong phanh, đầu trần, chân đất, thương các em, các thầy, cô giáo thường xuyên vận động quyên góp quần áo ấm, sách vở để các em vơi bớt khó khăn đến trường học chữ. Chị Giàng Thị Giỏng, phụ huynh học sinh ở thôn Lao Chải nói: “Thầy cô giáo tốt với học sinh lắm, còn tặng cả quần áo ấm, sách vở để chúng đi học. Cảm ơn thầy cô nhiều lắm”.

 Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trường vùng cao Quan Thần Sán  đã được đầu tư phòng học theo hướng kiên cố và có lớp học bán trú. Từ khi có phòng học mới, các em tránh được cái lạnh buốt giá của mùa đông, chất lượng chăm sóc và giáo dục cũng dần được nâng lên. 

Thầy giáo Dương Đức Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai cho biết: “Nhà trường cũng động viên các thầy cô giáo cần phải bám trường, bám lớp, bám dân , mình phải hiểu tiếng của đồng bào, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào để từ đó chia sẻ với đồng bào và học sinh, làm sao đem lại kết quả giáo dục tốt nhất cho học sinh”.

Khi cái lạnh cắt da cắt thịt kéo về, cũng là lúc thầy cô giáo vùng cao luôn thấy nhói lòng khi vẫn còn nhiều em phong phanh đến trường. Cần lắm những chương trình áo ấm mùa đông đến với học sinh. Đó cũng luôn là mong muốn của thầy cô giáo vùng cao Quan Thần Sán./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên