Tây Nguyên khô khát - Làm gì để mùa khô thành mùa vàng:

Mùa khô - mùa vàng cho Tây Nguyên

VOV.VN - 6 tháng khô hạn là lợi thế riêng cho ngành nông nghiệp Tây Nguyên. Hầu hết các loại cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca… đều ra hoa, đậu quả vào mùa khô. Nếu có đủ nước tưới, càng nắng nóng cây trái càng thơm ngon, mùa khô sẽ tạo “mùa vàng”cho Tây Nguyên.

>> Cà phê đỉnh giá, nắng hạn đỉnh điểm

>> Quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khô hạn không hồi kết

LTS: Những năm gần đây Tây Nguyên liên tục đối diện khô hạn và năm nay hạn hán đến đỉnh điểm khi hàng loạt diện tích cây trồng khô cháy. Nghịch lý là vùng này có lượng mưa 100tỷ m3 nước mỗi năm, vượt xa nhu cầu tưới cho 2triệu ha cây trồng.

Ở góc độ khác, 6 tháng khô hạn là lợi thế riêng cho ngành nông nghiệp Tây Nguyên. Hầu hết các loại cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca… đều ra hoa, đậu quả vào mùa khô.

Nếu có đủ nước tưới, càng nắng nóng cây trái càng thơm ngon, mùa khô sẽ tạo “mùa vàng”cho Tây Nguyên.

 

Ao hồ nhỏ chống được hạn lớn

Giữa đỉnh điểm hạn hán, khi những vườn cà phê xung quanh héo rũ, thì 2ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích, làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai vẫn xanh tươi. Hơn 3 năm trước, ông đã chủ động đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và làm 2 ao lót bạt chống thấm, chứa được gần 3.000m3 nước ngay trong vườn.

“Tưới bằng hệ thống này thì khi mà cây có hiện tượng thiếu nước tôi chỉ cần bật công tắc 1-2 tiếng là được rồi. Càng ngày thì nguồn nước càng ít, mà tưới tiết kiệm thì hiệu quả kinh tế rất là cao”- ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.

Anh Vy Văn Tiến, người chuyên thi công ao, hồ lót bạt chống thấm ở các tỉnh Tây Nguyên cho biết, mùa hạn năm nay nhiều vườn sầu riêng, cà phê của nông dân đã được cứu nhờ những ao, hồ tích nước từ mùa mưa, chi phí rẻ mà hiệu quả rõ ràng.

“Làm hồ lót bạt chứa 1.000m3 nước đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng. Ưu điểm là chứa nhiều nước mà không bị thấm, độ bền trên 10 năm” - anh Vy Văn Tiến khẳng định.

Tăng cường hiệu quả tích trữ nước mùa mưa để dùng cho mùa khô là đòi hỏi thực tiễn cho sản xuất nông nghiệp của Tây Nguyên. Một số ý tưởng đã và đang được các địa phương triển khai tại những khu vực địa hình chia cắt mạnh, nơi khó đầu tư các công trình thủy lợi lớn.

Tại tỉnh Lâm Đồng, từ 8 năm trước, địa phương này đã triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ chương trình nông thôn mới. Người dân làm mỗi ao, hồ có diện tích tối thiểu 500m2, dung tích 1.500m3 sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí.

Đến nay, đề án phát triển được khoảng 3.000 ao, hồ, đáp ứng nhu cầu tưới cho khoảng 12.000 héc ta cây trồng.

Là một trong những hộ được hưởng lợi từ đề án, ông Phùng Văn Tĩnh, ở thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, phấn khởi: “Chúng tôi đào hồ cạn trên đồi và bơm nước lên tích trữ. Nhờ 2 hồ này mà 2 hécta cà phê của tôi không lo thiếu nước tưới”.

Tại tỉnh Đắk Nông, ngành chức năng đang xây dựng dự án hơn 200 tỷ đồng thực hiện đắp 10 đập liên hoàn trên suối Ea Diêr, huyện Cư Jút.  Ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết: “hệ thống 10 đập dâng trên suối đặc biệt phù hợp với địa bàn diện tích manh mún, phục vụ sản xuất cho các nhóm hộ gia đình. Khi các đập hoàn thành, 3.000 ha cây trồng tại đây sẽ chủ động nguồn nước tưới".

6 tháng mùa khô, càng nắng nóng hoa trái Tây Nguyên càng thơm ngon

Cần nhấn mạnh rằng, Tây Nguyên có 6 tháng mùa khô, bất lợi về nguồn nước, nhưng lại là lợi thế riêng có với nhiều loại cây trồng chủ lực của vùng này, là cà phê, hồ tiêu, sầu riêng...

Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây công nghiệp, cây ăn trái ra hoa đậu quả vào vào mùa khô, cần nước tưới nhưng lại rất sợ mưa. Nếu gặp mưa tỷ lệ đậu quả giảm sẽ là “tai hoạ” dẫn đến mất mùa.

"Cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, cây ăn quả đòi hỏi phải có mùa khô. Đặc biệt Tây Nguyên có 6 tháng mùa khô là điều kiện thuận lợi để cây phân hoá mầm hoa, đảm bảo về mặt sinh học cho các loại cây đó ra hoa đậu quả.

"Nếu Tây Nguyên có 3 tháng mùa khô thôi thì chưa hẳn đã có nhiều diện tích cây trồng như thế này. Mùa khô nhưng đòi hỏi phải có nước tưới, không chủ động nước được thì các loại cây này không hiệu quả”.

"Nếu đủ nước tưới, càng nắng nóng, hoa trái càng thơm ngon, mùa khô sẽ tạo “mùa vàng” cho Tây Nguyên - Tiến sĩ Trần Vinh nói.

Để mùa khô thành "mùa vàng"

Lượng mưa ở Tây Nguyên khoảng 1.800mm, tổng lượng nước gần 100 tỷ m3/năm, vượt xa nhu cầu tưới của 2 triệu ha cây trồng. Nhưng 90% lượng nước rơi vào 6 tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10). 6 tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) nguồn nước rất căng thẳng.

Thời gian qua, nhiều hội thảo, hội nghị về an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên được tổ chức. Tuy vậy, bài toán cân đối trong khai thác sử dụng nước vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

Khi việc quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thuỷ lợi cho Tây Nguyên cần nguồn lực rất lớn và nhiều thời gian, thì từ thực tiễn, việc dễ làm hơn là hỗ trợ, khuyến khích nông dân, nhóm hộ, hợp tác xã tạo lập ao, hồ chứa nước phục vụ sản xuất, áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm.

Giúp dân làm ao hồ thủy lợi nhỏ không chỉ huy động được nguồn lực từ người dân, phù hợp với địa hình Tây Nguyên nhiều khu vực bị chia cắt, mà còn giúp thay đổi thói quen canh tác và góp phần xây dựng các vùng cây trồng theo quy hoạch.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: vùng Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng đúng mức. Rừng tự nhiên bị xuống cấp cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường.

Bằng sự quan sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ Chính trị và người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã chỉ ra một số bất ổn về tài nguyên rừng, sản xuất nông nghiệp, nguồn nước và khô hạn ở Tây Nguyên.

Qua đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến".

"Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học, được bảo tồn và phát triển, an ninh nguồn nước được bảo đảm” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Tây Nguyên có hơn 2 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ, hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn trái, cho giá trị xuất khẩu hàng đầu khu vực và thế giới.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước tại Tây Nguyên là những nhiệm vụ mà tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022, Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương triển khai bằng những giải pháp, chương trình hành động cụ thể.

Sớm giải quyết vấn đề khô hạn, mùa khô Tây Nguyên sẽ gây dựng “mùa vàng”, tạo ra giá trị kinh tế vượt xa hiện nay. Đây sẽ là tiền đề để hiện thực hoá mục tiêu “Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững” theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khô hạn không hồi kết
Quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khô hạn không hồi kết

VOV.VN - Quy hoạch thủy lợi và việc xây dựng chưa tốt, quy hoạch cây trồng bị phá nát, giải pháp tưới tiết kiệm chưa nhiều, trong khi tư duy canh tác của không ít nông dân chậm thay đổi, là những lý do khiến câu chuyện hạn hán ở Tây Nguyên khó có hồi kết.

Quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khô hạn không hồi kết

Quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khô hạn không hồi kết

VOV.VN - Quy hoạch thủy lợi và việc xây dựng chưa tốt, quy hoạch cây trồng bị phá nát, giải pháp tưới tiết kiệm chưa nhiều, trong khi tư duy canh tác của không ít nông dân chậm thay đổi, là những lý do khiến câu chuyện hạn hán ở Tây Nguyên khó có hồi kết.

Cà phê đỉnh giá, nắng hạn đỉnh điểm
Cà phê đỉnh giá, nắng hạn đỉnh điểm

VOV.VN - Giá cà phê lập đỉnh mới mang đến nhiều hy vọng cho nông dân có nguồn thu nhập khá. Thế nhưng, nắng hạn đang thiêu đốt cà phê ở khắp vùng Tây Nguyên, không chỉ làm giảm năng suất mà có nguy cơ mất trắng nhiều diện tích.

Cà phê đỉnh giá, nắng hạn đỉnh điểm

Cà phê đỉnh giá, nắng hạn đỉnh điểm

VOV.VN - Giá cà phê lập đỉnh mới mang đến nhiều hy vọng cho nông dân có nguồn thu nhập khá. Thế nhưng, nắng hạn đang thiêu đốt cà phê ở khắp vùng Tây Nguyên, không chỉ làm giảm năng suất mà có nguy cơ mất trắng nhiều diện tích.