Lỗ hổng lớn về nhân lực du lịch
VOV.VN - Rất nhiều cơ sở lưu trú và đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ tại Hà Nội, Phú Quốc, Đà Lạt, Bình Thuận, Đà Nẵng… đang tuyển dụng từ nhân viên đến quản lý cấp cao, trong đó có cả người Tổng quản lý (GM) – vị trí quan trọng nhất của một khách sạn.
Thiếu từ nhân viên đến quản lý
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, năm 2020 các doanh nghiệp du lịch đã phải cắt giảm nhân sự từ 70 – 80%. Năm 2021, lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, những lao động có thâm niên trong ngành du lịch rất dễ chuyển sang ngành nghề khác, vì họ sở hữu kinh nghiệm và trình độ cao. Một điều tra tại TP.HCM với 321 người vào cuối năm 2021 cho thấy trong số lao động du lịch mất việc, chuyển nghề thì người lao động có thâm niên nghề 5-10 năm chiếm 43,66%, lao động có thâm niên nghề trên 10 năm chiếm 23,56%, lao động có trình độ sau đại học chuyển sang nghề khác là 90%...
“Điều này phản ánh thực tế là có một lực lượng lao động du lịch không nhỏ sẽ chuyển nghề, trong đó số lao động có thâm niên, có kinh nghiệm, có trình độ cao đã chuyển nghề và đang ổn định công việc khác” - GS.TS Nguyễn Văn Đính nói.
Theo dữ liệu của website tuyển dụng hoteljob.vn, rất nhiều cơ sở lưu trú và đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ tại Hà Nội, Phú Quốc, Đà Lạt, Bình Thuận, Đà Nẵng… đang "săn tìm" từ nhân viên đến quản lý cấp cao, trong đó có cả người Tổng quản lý (GM) – vị trí quan trọng nhất của một khách sạn. Tại Hà Nội, đại diện một khách sạn ở 5 sao ở quận Hoàn Kiếm cho biết đơn vị hiện đang vận hành mà không có Tổng quản lý. “Dù khách sạn không có chính sách cắt giảm nhân sự nhưng cả GM và một số vị trí khác đã rời đi” – vị đại diện cho biết.
Ông Lê Hồng Hải - Tổng Giám đốc Công ty TMDV Dân chủ Hà Nội (Hotel De L’Opera Hanoi - MGallery) xác nhận những khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt về tuyển dụng lao động du lịch tại Hà Nội hiện nay: “Thách thức lớn cho đơn vị là không thể trả mức lương như kỳ vọng của người lao động. Trước làn sóng ‘đại tuyển dụng hậu Covid-19’, cạnh tranh trong tuyển dụng càng gia tăng, không chỉ giữa các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau mà với cả các ngành nghề khác”.
Với các doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho biết: "Sau mỗi làn sóng Covid-19 thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong khâu tuyển dụng. Hầu như các phòng ban đều thiếu hụt lao động. Riêng với những hướng dẫn viên kỳ cựu, thông thạo ngoại ngữ và am hiểu thị hiếu những thị trường khách quốc tế cao cấp rất khó tuyển lại. Có những người cảm thấy yêu thích công việc mới hơn so với du lịch, vì vậy sẽ rất khó để thuyết phục họ quay trở về doanh nghiệp".
Theo ông Lê Hồng Hải, ngành du lịch đang có "lỗ hổng lớn" về nhân lực, hơn nữa mức thu nhập của ngành du lịch thấp hơn so với ngành nghề khác nên không còn hấp dẫn giới trẻ: “Có lao động đã tuyển dụng được nhưng sau đó đề nghị xem xét lại, vì có nơi khác mời làm việc với chế độ đãi ngộ tốt hơn… Gọi nhân viên đi làm thì họ cũng dè dặt, vì không được làm việc toàn thời gian cũng đồng nghĩa với giảm lương".
Phải dùng đến giải pháp tình thế
Vừa qua trong dịp khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, một số khách sạn đã phải thuê lao động thời vụ do lượng khách tăng đột biến. Đại diện một khách sạn ở Hội An cho biết đơn vị đã thuê sinh viên để phục vụ các buổi tiệc, còn những công việc đòi hỏi kỹ năng như làm phòng, dọn dẹp thì phải huy động nhân viên trong khách sạn.
Bà Nguyễn Thanh Thủy - Giám đốc kinh doanh hệ thống khách sạn Silk Path cho biết nhiều khách sạn đã buộc phải sử dụng nhân viên cho nhiều vị trí khác nhau, dù không đúng chuyên môn của họ: “Đội ngũ nhân sự còn lại buộc phải năng động hơn, không chỉ làm chuyên môn của mình mà phải đa chức năng cho các vị trí khác. Ngay cả nhân viên quản trị nhân sự, kế toán, nhà hàng… cũng phải hỗ trợ các công việc trong khách sạn, thậm chí đảm nhận vai trò như một nhân viên thực tế ở vị trí đó”.
Dù người lao động phải làm thêm nhiều công việc nhưng theo bà Nguyễn Thanh Thủy, đến thời điểm này mức lương tại nhiều khách sạn chưa thể đạt 100% mà vẫn bị cắt giảm và cần sự chia sẻ giữa người lao động với đơn vị. Các khách sạn cũng hy vọng khi các nhân viên hiểu rõ về bộ phận khác sẽ giúp cho toàn bộ hệ thống hợp tác với nhau tốt hơn, nhất là khi công suất hoạt động được phục hồi.
GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng trong ngắn hạn, doanh nghiệp du lịch sẽ phải áp dụng các “giải pháp tình thế”. Ví dụ các doanh nghiệp lữ hành có thể tạm thời tuyển chọn sinh viên ngành ngoại ngữ, du lịch để đào tạo cấp tốc về chuyên môn, nghiệp vụ cho một số tour tuyến nhất định; trong bối cảnh khó tuyển dụng lao động lành nghề và am hiểu sâu rộng về tuyến điểm trên cả nước.
Với các cơ sở du lịch khác, GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cần phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch như các trường đại học, cao đẳng, các trường, các trung tâm đào tạo nghề du lịch để tuyển dụng lao động tạm thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Tại các khách sạn thì phải “cầm tay chỉ việc” cho người lao động hoặc kết hợp vừa làm việc vừa đào tạo, vì đào tạo tại chỗ vẫn là phương thức hiệu quả nhất.
GS.TS Nguyễn Văn Đính cũng chỉ 4 giải pháp chính để phục hồi và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam, gồm thu hút nhân lực trước đây và tuyển dụng nhân lực mới; tiếp tục đào tạo lại và đào tạo mới nhân lực du lịch; đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc và an toàn cho người lao động trong điều kiện bình thường mới; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng suất lao động trong du lịch.
Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng và tạo động lực cho người lao động ngành du lịch tâm huyết với nghề, ông Lê Hồng Hải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, xem xét tăng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động bậc cơ bản; làm cơ sở điều chỉnh mức lương cho bậc trung và cao.
Mới đây, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã chính thức đi vào hoạt động, trong đó có các nhiệm vụ về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, Quỹ sẽ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Cụ thể, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Về lâu dài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng vói tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, giai đoạn 2022 – 2023 sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay, gồm kiến thức, kỹ năng liên quan đến xử lý tình huống phòng, chống dịch bệnh, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng bổ trợ cần thiết khác./.