Mưa lũ gây thiệt hại tại Lào Cai và các tỉnh Tây Nguyên

Lưu lượng nước từ đầu nguồn suối Đôi đổ về khu vực phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai gây ra lũ ống cục bộ, làm nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa, tài sản của 10 tổ dân khu vực này bị thiệt hại nặng nề.

Trận mưa lớn đêm qua và rạng sáng nay (6/9) với lưu lượng nước từ đầu nguồn suối Đôi đổ về khu vực phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai gây ra lũ ống cục bộ, làm nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa, tài sản của 10 tổ dân khu vực này bị thiệt hại nặng nề. Có 5.000 m2 ao nuôi cá, gần 30 ha lúa và hoa màu của nông dân bị lũ ống phá hủy có nguy cơ mất trắng. Ngoài ra, lũ còn phá hủy một công trình thủy lợi, nước lũ tràn vào 10 hộ dân gây ngập lụt, phá hủy 10 cầu qua suối của các hộ dân.

Trong 2 ngày (5-6/9), tỉnh Đắc Lắc có mưa to liên tục kéo dài, lượng nước từ thượng nguồn sông Sê Rê Pốc đổ về nhanh và dâng cao, gây ngập tại thôn 12 và thôn 13, là địa bàn trũng nhất xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea súp-Đắc Lắc). Nước lụt làm ngập nhiều diện tích hoa màu, lúa sắp gặt và cuốn trôi một số lóng gỗ khai thác tập kết về tại bãi gỗ trong xã.

Trung đoàn 737 (Binh đoàn 16) huy động cán bộ chiến sĩ đến giúp dân chuyển người và tài sản lên vùng cao an toàn. Hiện, trong khi Hồ Ea Súp thượng xả lũ, nước sông Sê Rê Pốc tiếp tục dâng cao. Đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng và chính quyền xã, chủ động bố trí 2 xuồng máy cùng các phương tiện vật chất và nhân lực tại chỗ, tổ chức canh trực suốt ngày đêm, sẵn sàng ứng cứu khi sự cố xảy ra.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương, lũ trên các sông, suối thượng nguồn thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai đang lên nhanh và đã vượt mức báo động 3 tới 1,44m.

Nơi nước lũ lên nhanh nhất là trạm Bmơrê, trên sông Ayôn. Đến 8 giờ sáng nay 6/9, mực nước tại đây là 676,44m (trên mức báo động 3 là 1,44m). Nơi có lượng mưa lớn nhất là Kon Tum 97mm.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương có công điện yêu cầu các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động; đề phòng lũ quét trên các sông, suối. Toàn bộ dân cư và chủ các công trình ở khu vực vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt là các khu vực đang có diễn biến sạt lở cần được thông báo sớm nhất có thể để chủ động phòng, tránh, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên