Mưa lũ Nam Trung Bộ: 7 người thiệt mạng, 7 người mất tích
VOV.VN - Mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã làm 7 người chết, 7 người mất tích, nhiều địa phương vẫn còn bị cô lập trong lũ.
Chiều 4/11, tại các tỉnh Nam Trung Bộ, trời đã ngớt mưa nhưng nhiều nơi vẫn còn bị cô lập. Trong khi đó, các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn, nhiều khu dân cư vẫn còn ngập trong lũ. Chính quyền các tỉnh Nam Trung Bộ đang tập trung tìm kiếm người còn mất tích, vận động người dân đến nơi an toàn để tránh lũ về trong đêm; Đồng thời tổ chức cứu trợ bà con vùng bị ngập lụt.
Các tuyến đường bị ngập trong lũ, người dân phải di chuyển bằng xuồng.
Tại tỉnh Bình Định trời đã bớt mưa, nước trên lưu vực sông Kôn và sông Hà Thanh đang xuống. Tại thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, lũ rút nhanh. Tỉnh Bình Định tập trung cứu trợ lương thực, nước uống cho người dân.
Chiều nay, tại huyện Tuy Phước, nước lũ đã rút nhưng còn ở mức cao. Đường từ Trung tâm huyện về các xã ở khu Đông, chưa thể đi lại được. Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Bình Định đã đến những vùng bị cô lập để tiếp tế lương thực, nước uống, giúp bà con vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Yến, người dân vùng rốn lũ xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cho biết, Hội Chữ Thập Đỏ về cấp mỳ tôm cho bà con trong xóm, người dân rất mừng.
Trong đợt lũ này, huyện Tuy Phước là địa phương bị thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Bình Định. Hơn 130 nhà bị sập, gần 4.800 ngôi nhà có nhà bị ngập lũ từ nửa mét đến hơn một mét. Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Bình Định đã kịp thời hỗ trợ những gia đình có nhà bị sập, người bị thương do chập điện.
Vận chuyển hàng cứu trợ đến vùng lũ Tuy Phước. |
Ông Lê Phong, Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Bình Định cho biết, Chúng tôi cũng đã thành lập các đoàn cứu trợ đi cứu trợ các vùng cô lập ở Phù Mỹ, thăm tặng quà cho các nhà bị tốc mài ở Hoài Nhơn, thăm tặng quà cho những nhà bị sập ở huyện Hoài Ân và sáng nay thành lập đoàn đi thăm và tiếp tế lương thực khẩn thiết cho các vùng bị cô lập ở Tuy Phước. Với tinh thần Chữ Thập Đỏ là góp phần cùng các cấp các ngành trong tỉnh quyết không để cho người dân nào đói và khát.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên nhiều nơi vẫn còn bị cô lập. Tỉnh Phú Yên yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ với lưu lượng hạn chế để đón triều cường. Theo dự báo, mực nước vùng hạ du có thể tăng trở lại, người dân không được chủ quan trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Tỉnh Phú Yên yêu cầu người dân những vùng nước chưa rút hẳn không nên trở về nhà. Bà Nguyễn Thị Vinh, thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu cho biết, căn nhà của mình đã bị lũ cuốn sập vào đêm qua, hiện cả gia đình đang phải đi ở nhờ. "Vợ chồng với mấy đứa con ở trong nhà, nước tràn vô nhanh quá. Ông xã mới nói thôi bà ơi, chuyển đồ qua nhà bên cạnh gửi chứ không nó ướt đồ, ướt áo hết không có đồ bận. Nước tràn vô rất nhanh".
Tính đến nay, đã có 7 người chết và 7 người mất tích. |
Chiều nay, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã đến thăm, chia sẻ khó khăn với các gia đình có nhà sập, người thân bị mất tích tại thị xã Sông Cầu. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại miền núi Đồng Xuân. Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên đề nghị huyện đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống trong những ngày bị cô lập .
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến các khu vực hạ lưu sông Cái gồm các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang ngập nặng, có nơi ngập sâu hơn 1 mét. Nhiều hộ dân phải di dời đến nhà người thân ở tạm. Mưa lớn kèm theo nước sông dâng cao đã cuốn trôi một phần cây cầu gỗ Phú Kiểng, bắc qua sông Cái hơn 1.000 hộ dân xã Vĩnh Ngọc bị cô lập.
Đường 23 Tháng 10, tuyến đường nối thành phố Nha Trang ra Quốc lộ 1A về phía nam bị ngập nặng, các phương tiện qua lại rất khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các phòng Giáo dục-Đào tạo chủ động cho học sinh nghỉ học hoặc có kế hoạch sơ tán học sinh khi cần thiết.
Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hiện nay, người ta đang huy động thiệt bị làm ở vị trí km60+677 trên đó cả 3,4 xe đào lớn. Rồi dưới Nha Trang cũng huy động lên. Xe máy, thiết bị rất đông nhưng do điều kiện thời tiết nên làm chậm chứ không thể làm nhanh được. Bởi khối lượng cao 2,3 chục mét như quả núi, còn phải nổ mìn phá đá nữa./.