Mưa lũ tiếp tục đe dọa các tuyến đê xung yếu
Vỡ đê bao ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) vẫn chưa khắc phục được. Nhiều tuyến đê đang trong tình trạng báo động.
Đại tá Lê Mạnh Thường, Phó Chỉ huy Trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang cho biết trên địa bàn tỉnh vừa có thêm 4 người chết do lũ. Như vậy, tính từ đầu mùa lũ đến nay toàn tỉnh đã có tổng cộng 9 người chết do lũ và một người chết do rắn cắn trong lúc làm nhiệm vụ chống lũ.
Hiện nay, mực nước lũ tại An Giang còn rất cao, kết hợp với mấy ngày qua có mưa nên tiếp tục đe dọa một số tuyến đê xung yếu. Một vài nơi đê bao lúa vụ ba tiếp tục bị rò rỉ, sạt lở nhỏ và đã được khắc phục kịp thời. Toàn tỉnh đã có 56 điểm trường bị ngập sâu khiến 358 học sinh phải tạm nghỉ học. Nhiều cụm – tuyến dân cư bị lũ đánh sạt lở. Lũ đã làm ngập hơn 17.600 căn nhà, trong đó có 765 nhà cần di dời khẩn cấp.
Tại Đồng Tháp, đến ngày 5/10 đã có trên 10.000 căn nhà bị ngập, trong đó đã di dời được trên 1.400 hộ; trên 690 km đường giao thông bị sạt lở, với khối lượng đất đá bị lũ cuốn trôi trên 1,7 triệu m3 và 35 cầu cống đã bị hư hỏng.
** Vỡ đê bao ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp)
Rạng sáng 5/10, tại tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xảy ra vỡ đê bao tại tuyến đê số 8, thuộc ấp 3, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình với chiều dài khoảng 15 mét, làm ngập 138 ha lúa thu đông đang ở giai đoạn trổ.
Sau khi đê vỡ, lãnh đạo huyện ủy Thanh Bình, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và lực lượng tại chỗ đã nhanh chóng đến hiện trường để khắc phục. Tuy nhiên, do sức nước chảy quá mạnh, cuốn trôi 2 chiếc xáng được đưa tới để gia cố và không thể khắc phục được.
Hiện tại, địa phương đang tập trung gia cố các đê bao còn lại, để bảo vệ khoảng 400 ha lúa thu đông. Đồng thời vận động nhân dân kê kích nhà cửa để bảo vệ tính mạng và tài sản, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
** Đê biển Cà Mau, Trà Vinh và Hà Tĩnh bị sạt lở nghiêm trọng
Do ảnh hưởng của gió kết hợp với triều cường và sóng biển mạnh, nhiều tuyến đê biển ở 2 tỉnh Cà Mau và Hà Tĩnh bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của cả hệ thống đê biển và cuộc sống của người dân địa phương. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục những tuyến đê bị sạt lở.
Tại vùng cửa biển Hà Tĩnh thuộc các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Nghi Xuân hôm nay (5/10), tiếp tục có mưa. Mấy ngày qua, do ảnh hưởng của gió kết hợp với triều cường, sóng biển đánh mạnh đã làm cho 200 km tuyến kè chắn sóng biển thuộc địa phận phía Bắc xóm Long Hải, xã Thạch Kim và hơn 1 km tuyến đê Tả Nghèn (đê C2), thuộc các xã Hộ Độ, Mai Phụ, huyện Lộc Hà bị sạt lở nghiêm trọng. Huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng đưa hàng nghìn bao tải đất đá, hàng trăm mét bạt trải thảm đến hiện trường cứu hộ đê.
Ông Trần Tú Anh- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, các công trình đê kè chưa đủ khắc phục được lụt bão, do vậy chủ yếu vẫn là phương án di dời dân; Tổ chức tốt phương án bốn tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và chỉ huy tại chỗ”.
Triều cường cũng đã làm tuyến đê bao ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại tỉnh Cà Mau, tuyến đê chạy qua địa phận xã Khánh Tiến, huyện U Minh đang bị sạt lở hàng ngày, nghiêm trọng nhất là đoạn Ranh Dinh, Hương Mai thuộc xã Kháng Tiên, huyện U Minh bị sạt lở một đoạn dài hơn 2 km, xoá sổ gần hết rừng phòng hộ. Sạt lở làm nước biển ngày càng xâm thực sâu vào bên trong thân đê, nguy cơ gây vỡ đê bất cứ lúc nào. Trên tuyến đê biển Đông như Gành Hào (huyện Đầm Dơi), Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xuất hiện nhiều điểm sạt lở, tổng cộng gần 80 km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu dân cư, cụm kinh tế ven biển và đời sống, sản xuất của nhân dân.
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, nguyên nhân dẫn đến sạt lở tuyển đê biển Cà Mau chủ yếu do biến đổi khí hậu. Từ đầu tháng 3 đến nay, tỉnh Cà Mau đã liên tục ban bố tình trạng khẩn cấp về việc đê biển và các cửa biển bị sạt lở. Tỉnh cũng đã được Trung ương đầu tư kinh phí xây dựng thí điểm 300 mét kè ngầm nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở đê biển Tây, nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để.
Trước tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các tỉnh Cà Mau và Hà Tĩnh đang tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện khắc phục nhanh chóng đoạn đê xung yếu, bằng mọi cách không để xảy ra tình trạng vỡ đê, tránh thiệt hại đến mức thấp nhất./.