Mùa mưa 2010, chống úng ngập Hà Nội còn nhiều khó khăn

Giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập trên địa bàn Thành phố phụ thuộc rất lớn vào việc tính toán, quy hoạch, thiết kế và thi công các công trình hạ tầng thoát nước quy mô lớn…Mùa mưa năm 2010, vẫn sẽ xuất hiện khoảng 25 điểm úng ngập ở Hà Nội.

Theo Quy hoạch tổng thể Thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội 1995 do tổ chức JICA (Nhật Bản) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 430/TTg ngày 7/8/1995) thì phạm vi cải tạo cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ là 135 km2, có điều kiện chu kỳ bảo vệ 10 năm, ứng với trận mưa có lưu lượng 310mm/2ngày; xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Tổng mức đầu tư ước khoảng 1.162 triệu USD và được phân kỳ đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế.

Theo đề xuất, lưu vực sông Tô Lịch có diện tích 77,5km2 được triển khai trước và chia thành 2 giai đoạn, tiếp đến là lưu vực sông Nhuệ và cuối cùng là xử lý nước thải.

Trên cơ sở này, lưu vực sông Tô Lịch được thực hiện từ năm 1996, đáp ứng các tiêu chí quy hoạch của Bộ Xây dựng như: Lượng mưa thiết kế cho sông và kênh là chu kỳ 10 năm, ứng với lượng mưa 310mm/2ngày và cho hệ thống cống là 5 năm, ứng với trận mưa 70mm/h và chia thành (2 giai đoạn) 2 dự án.

Bề bộn các dự án thoát nước

Đến nay, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 với mục tiêu chính giải quyết tình trạng úng ngập do mưa với điều kiện chu kỳ bảo vệ 2 năm, ứng với lượng mưa 172mm/2ngày đã hoàn thành việc bàn giao đưa vào sử dụng và đã được kiểm chứng qua các đợt mưa lũ. Nhà tài trợ JICA và Đoàn giám sát thường trực HĐND Thành phố đánh giá đạt mục tiêu dự án phê duyệt.

Bắt đầu từ năm 2006, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai dự án 2,  thời gian thực hiện đến tháng 6/3003 với tổng mức đầu tư khoảng 370 triệu USD, trong đó tỷ lệ vốn vay ODA JICA (Nhật Bản) hơn 76%, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Mục tiêu dự án là chống úng ngập thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước, ứng với lượng mưa là 310mm/2 ngày (giai đoạn 1 là 172mm/2ngày), chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống, ứng với lượng mưa 70mm/h.

Dự án cũng hướng đến các mục tiêu làm cơ sở để hoàn thiện và phát triển hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị; Cải thiện môi trường cho lưu vực sông Tô Lịch;  Tăng cường năng lực, phương tiện vật chất quản lý bảo dưỡng hệ thống thoát nước, đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực tổ chức và hệ thống pháp lý quản lý hệ thống nước thải và lập báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo Đánh giá tác động môi trường cho Dự án xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn để đẩy nhanh tiến trình xử lý nước thải cho khu vực trung tâm nội thành Hà Nội.

Toàn bộ dự án 2 gồm 12 gói thầu tiến hành lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế. Tập trung ở các hạng mục nâng công suất Trạm bơm Yên Sở từ 45m3/s lên 90m3/s; Cải tạo kênh thoát nước, trong đó cải tạo, thay thế 9 cầu trên sông Tô Lịch, hạ lưu sông Kim Ngưu, Lừ, Sét; Cải tạo 8 hồ nội thành và 2 hồ điều hoà Linh Đàm và Định Công, bổ sung các hồ Đàm Chuối và hồ Hạ Đình; Trạm xử lý nước thải hồ Bảy mẫu; Cải tạo, xây dựng các cống tiểu lưu vực; Xây dựng đường công vụ dọc các sông…

Hoàn thành cải tạo hồ Bảy Mẫu góp phần điều hoà thoát nước thải

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện nay 8/12 gói thầu đang trong giai đoạn thực hiện. Đáng chú ý là gói thầu thiết bị trạm bơm Yên Sở đã chế tạo xong, vận chuyển đến công trường và đang thực hiện lắp đặt 5 tổ bơm, đến tháng 9/2010 hoàn thành, chạy thử và đào tạo vận hành. Cùng đó là gói thầu cải tạo hồ Bảy Mẫu, Đống Đa và hồ Hố Mẻ đang tập trung công tác vận chuyển đất và hoàn thiện.

Riêng hồ Bảy Mẫu đã vận chuyển 2/3 khối lượng đất bùn, công đoạn kè bờ gần như hoàn tất, chỉ chừa khoảng 30% chiều dài chưa kè phục vụ cho việc nạo vét vận chuyển đất. Đây là những công trình mang tính chạy đua phục vụ các ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt là thời điểm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, do đó công tác phòng chống úng ngập được Thành phố chỉ đạo quyết liệt.

Theo ông Cường, với tiến độ khối lượng công việc đang thực hiện như hiện nay, 2 hồ Bảy Mẫu và Đống Đa sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2010, trước thời gian dự kiến thi công 3 tháng.

Cùng với việc vận hành các cửa phai, cải tạo trạm bơm, nạo vét các cửa cống ra vào hồ, vệ sinh và kiểm tra hệ thống đăng chắn, hạ mực nước các hồ được cải tạo trong Dự án thoát nước giai đoạn 1 như hồ Thiền Quang, Thành Công, Giảng Võ xuống cos +3,5m. Khai thác ngay các hồ điều hoà quản lý mực nước trong giai đoạn 2 hồ Bẩy Mẫu, Đống Đa, Hố Mẻ, Hào Nam. Các hồ điều hòa này đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thoát nước của Thủ đô.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng chỉ khi giải quyết tốt việc khơi thông các dòng mương ở hạ lưu mới giúp cho hệ thống các tuyến cống trong Thành phố tiêu thoát nước được tốt. Vì thế ở thượng lưu và hạ lưu rất cần được đầu tư đồng bộ.

 Ngổn ngang các công trình gây úng ngập

Theo ông Nguyễn Lê- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Thoát nước Hà Nội, bên cạnh công tác nạo vét, duy trì vận hành hệ thống định kỳ theo bản đồ quản lý mực nước trên toàn bộ hệ thống, để nạo vét theo yêu cầu kỹ thuật, đồng bộ cho từng lưu vực, trục tiêu thoát nước chính và bám sát các trọng điểm úng ngập.

Giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập trên địa bàn Thành phố phụ thuộc rất lớn vào việc tính toán, quy hoạch, thiết kế và thi công các công trình hạ tầng thoát nước quy mô lớn như các dự án cống hoá mương theo quy hoạch, các hệ thống cống nằm trên các trục giao thông lớn mới mở…, thì mùa mưa năm 2010, Thành phố vẫn sẽ xuất hiện khoảng 25 điểm úng ngập, trong số này có 13 điểm như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo- Phan Chu Trinh, Thái Thịnh… sẽ hết úng ngập trong năm nay khi gói thầu cải tạo cống thuộc Dự án thoát nước giai đoạn 2 được triển khai.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đối với ngành Thoát nước hiện nay là trên địa bàn thành phố có rất nhiều dự án đang gấp rút triển khai đã có tác động tiêu cực đến công tác thoát nước mùa mưa năm nay. Các công trình không tuân thủ đúng thoả thuận dẫn dòng, làm co hẹp dòng chảy ảnh hưởng đến khả năng thoát nước như: đường Văn Cao-Hồ Tây (cống hoá đoạn mương Thuỵ Khuê); đường dẫn cầu Thanh Trì làm thu hẹp dòng chảy, hư hỏng đường cấp điện 6KV cho các đập tràn Yên Sở…

Theo thống kê của ngành thoát nước Hà Nội, hiện có 151 tuyến phố, đang và chuẩn bị thi công chỉnh trang hè rãnh, hạ ngầm kỹ thuật… với 12 chủ đầu tư và hơn 20 đơn vị thi công sẽ làm bùn đất, phế thải trùm lấp miệng hố ga, thu hẹp tiết diện thu nước.

Ông Nguyễn Lê cho rằng, một trong những nguyên nhân vi phạm hệ thống thoát nước là do các đơn vị khi thi công hạ ngầm kỹ thuật thường thuê lao động tự do việc thi công lại vào thời điểm ban đêm dẫn tới việc làm ẩu, làm bừa đục  phá, cắt ngang hố ga, cống; nhiều cống khi mở nắp ga có tới 2-3 đường ống chạy ngang qua rất khó đưa công cụ xuống để nạo vét bùn, đất.

 Mục tiêu không úng ngập có khả thi

Nhiều đoạn cống thoát nước chưa được kè bị lấn chiếm

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có thời tiết bất thường: Xuất hiện hạn hán gây mực nước kiệt trên sông Hồng tại Hà Nội có lúc chỉ còn +0,1m; Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông ngay từ tháng 1 đến đầu tháng 2 mưa sớm trên diện rộng với cường độ lớn khác thường…

Với những yếu tố trên, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Hà Nội nhận định, tình hình mùa mưa bão trên địa bàn Thành phố có thể xảy ra bão lớn kèm mưa to gây úng ngập diện rộng cả nội thành và ngoại thành; đồng thời xuất hiện lũ lớn đe doạ an toàn đê điều hồ đập, công trình thuỷ lợi. Thời điểm xuất hiện vào khoảng từ tháng 8-10/2010.

Đây là tình huống bất lợi nhất với địa bàn Thành phố. Và cũng là một trong những khó khăn lớn đối với ngành thoát nước Thủ đô trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm không xảy ra úng ngập, nhất là trong những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là Đại lễ 1000 năm Thăng Long –Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên