Mùa xuân mới của cư dân Kinh thành Huế

VOV.VN - Cuộc di dân lịch sử của cư dân sống ở khu vực Thượng Thành, Kinh thành Huế đến nơi ở mới đã làm thay đổi vùng đất Cố đô. Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân từ chỗ thấp thỏm lo lắng nay đã từng bước ổn định.

Đàn Xã Tắc được xây dựng bên trong Kinh thành Huế, phía bên phải Đại Nội, nay thuộc phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi Triều đình nhà Nguyễn thường tổ chức cúng tế thần Xã (thần Đất), thần Tắc (thần Lúa). Sau năm 1975, khu vực xung quanh Đàn Xã Tắc được xây dựng khu Tập thể Xã Tắc. Hơn 800 hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh Thành Huế.

Chiều cuối năm, Khu dân cư Xã Tắc vắng vẻ hơn mọi năm. Đa số các hộ dân ở đây đã dời đến nơi ở mới. Một số hộ còn nán lại ăn cái Tết cuối cùng ở ngôi nhà cũ. Trong đó, có người chưa thống nhất với mức giá đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng; có hộ đã nhận tiền đền bù và nhận đất tái định cư nhưng chưa kịp cất lại nhà mới... Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở khu tập thể Xã Tắc tâm sự, nhà bà thuộc diện di dời vừa mới nhận tiền đền bù và nhận đất tái định cư, chưa kịp xây nhà trước Tết.

“Tôi rất ủng hộ chủ trương của nhà nước. Gia đình đã nhận tiền rồi nhưng chưa xây nhà. Nói chung tôi cũng rất vui thôi chứ không có chi cả, đi thì cũng vui thôi. Mong muốn năm mới có thêm ít tiền nữa để xây nhà, xây cửa”.

 Gia đình bà Trần Thị Hồng Vĩnh sống trong khu tập thể Xã Tắc mấy chục năm qua; nhà cửa xập xệ không được sửa chửa. Đây là Tết đầu tiên hai vợ chồng bà đón xuân trong căn nhà mới 2 tầng khang trang tại khu tái định cư. Gia đình bà là một trong những hộ đầu tiên ở khu vực Đàn Xã Tắc nhận tiền và bàn giao mặt bằng rồi nhận đất xây nhà mới ở Khu Quy hoạch phường Hương Sơ, thành phố Huế. Bà Trần Thị Hồng Vĩnh cho hay, Tết này vui hơn mọi năm, cả nhà sum họp trong ngôi nhà mới: “Năm đầu tiên đón Tết ở đây vui hơn vì nhà cửa rộng rãi hơn, con cái về đông vui hơn. Hồi xưa ở trong nớ chật chội lắm, không khí cũng không được trong lành. Ra được đây là mừng lắm rồi”.

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế triển khai từ năm 2019 với hơn 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Vượt qua những trở ngại ban đầu, đến nay hàng ngàn hộ dân ở khu vực Thượng Thành, di tích Kinh thành Huế đã được đến nơi ở mới, cuộc sống ổn định hơn. Nơi ở mới mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm, thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn của nhiều người. Ông Hoàng Công Tiến trước đây làm công nhân, khi đến nơi ở mới đã tận dụng mặt tiền rộng rãi của ngôi nhà mới để mở cửa hàng mua bán cá cảnh. Cuộc sống của gia đình ông Tiến khá lên trông thấy: “Khu tái định cư mới này, cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Với vị trí mặt bằng khang trang, kinh doanh thuận lợi. Mở ra cơ hội cho năm mới làm ăn phát triển hơn”.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, chính quyền địa phương, Mặt trận, các đoàn thể luôn thăm hỏi, tặng quà Tết những hộ hoàn cảnh khó khăn. Bà Dương Thị Thu Thuỷ, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Huế cho biết, cùng với việc chăm lo Tết cho người nghèo, thành phố thường xuyên quan tâm cuộc sống của những người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Hệ thống di tích Kinh thành Huế.

“Năm nay phường Hương Sơ tổ chức hoạt động Tết Đoàn kết tại Khu quy hoạch Hương Sơ rất lớn. Những sản phẩm tại các hội thi và tất cả các phần quà đều dành tặng cho bà con. Những hoạt động tại ngày hội đều hướng đến người nghèo. Với cùng mục tiêu cũng như Tết Huế của thành phố là để mọi người nghèo, cận nghèo, không được may mắn trong cuộc sống đều có thể đón Tết no đủ, đầm ấm và vui tươi, hạnh phúc”- bà Thuý nói.

Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Theo đó, giai đoạn 1 Đề án từ năm 2019-2023 di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực; giai đoạn 2 Đề án từ năm 2023-2025, di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi các di tích 19 khu vực. Tổng số hộ dân di dời của 2 giai đoạn khoảng 6.480 hộ.

Những thành công trong giai đoạn 1 của dự án đã minh chứng cho sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền địa phương và của các cấp, các ngành ở tỉnh Thừa thiên Huế. Đặc biệt, chính sự đồng thuận của các hộ dân vùng dự án đã mang lại bộ mặt mới cho khu vực này. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, trong quá trình triển khai, địa phương đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, xử lý thấu tình, đạt lý để người dân vùng dự án chấp thuận di dời đến nơi ở mới: “Chúng tôi đang triển khai quyết liệt công tác di dời dân cư ra khỏi khu vực Kinh thành Huế. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai. Việc di dời dân cư ở các khu vực này góp phần tính đặc thù của một đô thị di sản trong định hướng đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Thành công bước đầu của dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế góp phần mang lại diện mạo mới cho Cố đô Huế.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

150 sinh viên Đại học Huế được nhà trường đưa về quê đón Tết
150 sinh viên Đại học Huế được nhà trường đưa về quê đón Tết

VOV.VN - Sáng nay (3/2), Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức chương trình xe về tết Giáp Thìn 2024 miễn phí và tặng quà cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn.

150 sinh viên Đại học Huế được nhà trường đưa về quê đón Tết

150 sinh viên Đại học Huế được nhà trường đưa về quê đón Tết

VOV.VN - Sáng nay (3/2), Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức chương trình xe về tết Giáp Thìn 2024 miễn phí và tặng quà cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình Tết Huế năm 2024 hướng về người nghèo
Chương trình Tết Huế năm 2024 hướng về người nghèo

VOV.VN - Với chủ đề xuyên suốt “Gắn kết yêu thương”, Chương trình Tết Huế 2024 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 01- 05/02 tại Quảng trường Ngọ Môn, khu vực tiếp giáp cửa Quảng Đức, đường 23/8 và đường Lê Huân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chương trình Tết Huế năm 2024 hướng về người nghèo

Chương trình Tết Huế năm 2024 hướng về người nghèo

VOV.VN - Với chủ đề xuyên suốt “Gắn kết yêu thương”, Chương trình Tết Huế 2024 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 01- 05/02 tại Quảng trường Ngọ Môn, khu vực tiếp giáp cửa Quảng Đức, đường 23/8 và đường Lê Huân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.