Mừng rơi nước mắt khi được hỗ trợ làm nhà mới
VOV.VN - Thành phố Đà Nẵng phấn đấu xóa 1.140 nhà tạm đợt 1 vào đầu tháng 5 tới. Nhiều năm ở trong căn nhà tạm bợ, có gia đình đã mừng rơi nước mắt khi được nhà nước hỗ trợ làm nhà mới.
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Trần Đình Hùng, ở tổ 29TC, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng nằm sâu trong hẻm nhỏ. Gọi là nhà nhưng chỗ ở không hơn phòng trọ chỉ rộng mười mấy mét vuông, được che tạm bợ vài tấm tôn, bìa ván cũ. Nhiều năm nay, ông Trần Đình Hùng sống một mình trong căn nhà tạm bợ này. Mùa mưa, nước dột, tràn vào nhà, mỗi lần gió bão phải sơ tán đi nơi khác. Hàng ngày, ông Hùng dùng xe kéo đi chở đồ thuê kiếm tiền sống qua ngày.
Trước Tết, ông bất ngờ phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày, đã 2 lần nhập viện mổ cắt bỏ khối u và đang chờ nhập viện lần 3 để hóa trị. Hiện giờ, cuộc sống của ông hoàn toàn dựa vào các nhà hảo tâm. Chính quyền địa phương ưu tiên đưa gia đình anh Trần Đình Hùng vào danh sách được hỗ trợ làm nhà mới trong đợt này.

Những ngày gần đây, khi ông Hùng sắp nhập viện lần 3 để hóa trị thì chính quyền địa phương và một số nhà hảo tâm chuẩn bị khởi công làm nhà mới tặng gia đình ông Trần Đình Hùng khiến ông mừng rơi nước mắt:
“Trong thời gian điều trị ở bệnh viện nhờ có bạn bè hồi xưa đi học, bạn đi bộ đội, họ chung tay ủng hộ, mỗi người vài ba trăm nghìn đồng dồn lại để lo viện phí. Thời gian này, chính quyền địa phương rất quan tâm đến hỗ trợ xây cho nhà mới để có chỗ ở. Tôi cám ơn chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến hộ nghèo này”.
Dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, gia đình ông Lê Văn Yên và bà Lê Thị Thúy Kiều ở tổ 4TC, phường Chính Gián, quận Thanh Khê được đón Tết trong ngôi nhà mới vừa được nhà nước hỗ trợ xây dựng. Cả 2 vợ chồng ông Yên đều là con của liệt sĩ. Bà nội ông Yên là Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ của ông là người có công với cách mạng. Trước đây, gia đình ông từng được nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà ở. Sau nhiều năm sử dụng, căn nhà đã xuống cấp, chật chội, không đảm bảo sinh hoạt cho cả nhà. Mới đây, chính quyền địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng, cộng với tiền của gia đình dành dụm, ông Lê Văn Yên làm được ngôi nhà kiên cố, khang trang, có nơi thờ ông bà và tiện nghi sinh hoạt.

Ông Lê Văn Yên vui mừng khi được nhà nước luôn quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công: “Vừa rồi được sự quan tâm của địa phương, hỗ trợ cho gia đình chúng tôi được 100 triệu đồng để xây mới. Tôi quá sung sướng, vì có nhà mới, chắc cũng ở hết đời mình luôn”.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt kết quả tổng hợp nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Thành phố phấn đấu xóa 1.140 nhà tạm đợt 1 vào đầu tháng 5, gồm xây mới 212 nhà và sửa chữa 928 nhà. Trong số này có 479 hộ gia đình người có công, còn lại là nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân khó khăn về nhà ở.

Thành phố hướng đến giúp 4 nhóm đối tượng được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà là gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình khó khăn về nhà ở. Theo đó, hộ gia đình chính sách được hỗ trợ xây mới 100 triệu đồng, hộ sửa chữa nhà được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn ngân sách; Hộ nghèo và cận nghèo xây mới được hỗ trợ 80 triệu đồng và sửa chữa là 30 triệu đồng từ Quỹ vì người nghèo; Hộ dân khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng và sửa chữa 30 triệu đồng.
Ông Đỗ Nguyên Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay quận đã rà roát 149 hộ gia đình đủ điều kiện để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5 tới:
“UBND quận đã cấp 4,8 tỷ đồng cho 6 phường, yêu cầu là những nhà được hỗ trợ phải mô tả tính pháp lý của từng loại nhà, chụp hình ảnh hiện trạng kèm theo. Mục tiêu là để tránh trường hợp người dân không nắm kỹ nội dung Quyết định 55 của Bộ Xây dựng và không dùng mục tiêu xóa nhà tạm để hợp thức hóa về đất đai”.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và tổ chức Lễ phát động ủng hộ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng đã có Thư kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động ủng hộ 1 ngày lương hỗ trợ xóa nhà tạm. Nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố, người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ theo tinh thần tự nguyện. Phong trào ủng hộ xóa nhà tạm đã lan tỏa rộng khắp trong từng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến ngày 2/9/2025, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xóa nhà tạm, chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh và Đại hội lần thứ XXIII của Đảng bộ thành phố. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận sâu rộng trong xã hội để phong trào xóa nhà tạm đạt hiệu quả cao nhất:
“Các cấp chính quyền địa phương có vai trò quyết định trong việc này. Đặc biệt, cấp chính quyền cơ sở phường, xã, chúng ta phải đi từng tổ dân phố, từng khu dân cư, từng thôn để có thống kê rõ ràng, cụ thể, chính xác, phải làm một cách công khai, minh bạch, tạo nên sự đồng thuận lớn trong nhân dân”.