Muốn xóa nghèo phải “trồng người” cho tốt

Đưa con số 11% này về 0% là cái đích mà chúng ta đã và đang cố gắng vươn tới.  

Chúng ta kết thúc năm 2009 với con số 11% hộ nghèo. Công cuộc xóa đói giảm nghèo mà Đảng, Nhà nước và toàn dân tiến hành trong suốt thời gian qua đã thu được những thành tựu đáng kể.

Bà Geetanjali Narayan - Trưởng phòng Kế hoạch và Chính sách XH của UNICEF tại Việt Nam đánh giá: “Suốt hai thập niên qua, Việt Nam được nêu danh nhiều lần bởi thành tích xóa nghèo: từ tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60% năm 1990 xuống còn 18,1% năm 2004 và 11% năm 2009. Thử thách còn lại: làm sao để đưa 11% hộ cuối cùng này thoát nghèo khi các chương trình, chiến lược, dự án những năm qua chưa thể làm được?”. Đưa con số 11% này về 0% là cái đích mà chúng ta đã và đang cố gắng vươn tới.

Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn, bà Geetanjali cho rằng, hiện Việt Nam đang đo tỉ lệ trẻ em nghèo bằng các tiêu chí tiền tệ, một đứa trẻ được coi là nghèo nếu sống trong một hộ gia đình nghèo. Theo cách tính đó, tỉ lệ trẻ em nghèo là 22%, tức là cứ 5 em thì có một em phải sống trong cảnh nghèo. Nhưng theo cách tiếp cận mới, con số đó lên tới 33%, tức là cứ ba em lại có một em nghèo. Con số này nhói lòng chúng ta cho dù 33% đó nằm ở vùng sâu, vùng xa hay ở vùng khó khăn nào chăng nữa thì cũng là trẻ em Việt Nam.

Theo như nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này, muốn xóa hộ nghèo trước tiên chúng ta phải đầu tư cho giáo dục, không chỉ giáo dục đại học, mà cả phổ thông, mẫu giáo và nhà trẻ. Tức là thay đổi phần nào cách tiếp cận công cuộc xóa nghèo bằng cách chú ý hơn vào trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước. Sự buông lỏng của nhà trường, của gia đình… đã dẫn đến bao chuyện đau lòng của thế hệ 8X rồi 9X và có thể còn nhiều hơn nữa.

Lối sống buông thả, ham chơi của một bộ phận giới trẻ chắc chắn không thể giúp đất nước phát triển, mà trái lại, sự tụt hậu ngày một gia tăng. Mới đây, ngày 26/12, một nhóm 9x gồm 17 đối tượng thuê nhà nghỉ sử dụng ma túy và xăm mình đã bị công an bắt giữ. Thêm ví dụ điển hình mà chúng ta vẫn thường bắt gặp khi lần giở những trang báo.

Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đưa ra cách tiếp cận giảm nghèo mới: “Giảm nghèo cho trẻ em hôm nay là giảm nghèo lâu dài cho người lớn trong tương lai”. Nghe qua thấy mới, nhưng ngẫm kỹ thì vẫn là câu chuyện “trồng người” mà cha ông ta để lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên