Năm 2014, TP HCM sẽ trình đề án về Quảng cáo trên xe buýt
VOV.VN-Để giảm trợ giá mà vẫn tăng lượng hành khách, tháng 1/2014, Sở Giao thông Vận tải TP HCM sẽ trình đề án Quảng cáo trên xe buýt.
Sáng 11/12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP HCM khóa 8 tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu chất vấn Sở Giao thông vận tải và Trung tâm chống ngập thành phố về hiệu quả hoạt động của xe buýt và trợ giá xe buýt, hiệu quả của chương trình chống ngập và dự báo, giải pháp cho thời gian tới.
Hàng loạt câu hỏi được đại biểu đưa ra cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tất Thành Cang như: thành phố có 152 tuyến xe buýt với khoảng gần 1.700 xe, trong đó có 110 tuyến có trợ giá, số tiền trợ giá năm 2013 lên đến 1.300 tỷ đồng nhưng hiệu quả như thế nào? Có hay không tình trạng bất cập, lãng phí; chất lượng phục vụ và làm gì để giảm trợ giá từ ngân sách?...
Ông Tất Thành Cang thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động của xe buýt đang có những bất cập, lãng phí như: một số luồng tuyến chưa hợp lý, trùng tuyến. Trong 10 năm qua, phương pháp quản lý không thay đổi; chất lượng phục vụ nhiều tuyến còn kém, để xảy ra tình trạng bỏ trạm, phân biệt đối xử với khách hàng…
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiệu quả của xe buýt trong hơn 10 năm qua, kể từ khi thành phố tái lập hoạt động xe buýt vào năm 2002. Cụ thể là: năm 2002 có 32 triệu lượt người sử dụng xe buýt thì năm 2013, con số đó lên đến gần 400 triệu lượt người, góp phần đáng kể trong giảm kẹt xe, khói bụi. Số tiền trợ giá xe buýt từ ngân sách tăng lên là do nhiên liệu, giá nhân công tăng liên tục trong khi giá vé xe buýt vẫn bình ổn để khuyến khích người dân sử dụng.
TP HCM hiện đang trợ giá ở mức 43% giá vé và mới chỉ có 11% dân số sử dụng phương tiện công cộng. Sắp tới, để giảm trợ giá mà vẫn tăng lượng hành khách, tháng 1/2014, Sở Giao thông Vận tải sẽ trình UBND TP đề án về Quảng cáo trên xe buýt, tăng cường một số hoạt động thương mại dịch vụ khác. Hàng loạt giải pháp về quản lý luồng tuyến, ứng dụng công nghệ cho tất cả các xe, nâng cao tinh thần phục vụ của đội ngũ hơn 6.000 tài xế và nhân viên cũng sẽ được triển khai.
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho rằng, hiệu quả xe buýt đúng là chưa như mong đợi, do nhiều nguyên nhân. Theo nghị định 91 của Chính phủ thì xe dưới 17 chỗ không phải là xe buýt nhưng đặc thù của thành phố ở vùng quận 5, 6,8 và cả khu trung tâm thì đây là phương tiện để thu gom và chuyển hành khách ra phía ngoài. Sở đang tham mưu Ủy ban kiến nghị Chính phủ xem lại vấn đề này.
Về phần chất vấn và trả lời chất vấn này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM Cho biết: Việc trợ giá xe buýt trong thời gian qua rất cần thiết nhưng hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ này so với những nhu cầu khác cần sử dụng ngân sách thì đúng là hiệu quả chưa cao. Đó là yêu cầu đặt ra cho Sở phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để phát huy hiệu quả phương tiện công cộng và nhất là hiệu quả của nguồn vốn trợ giá xe buýt từ ngân sách thành phố.
Về vấn đề chống ngập, các đại biểu chất vấn về nhiều dự án cụ thể 149 km đê bao sông Sài Gòn và 9 cống kiểm soát triều để chống ngập do triều cường, các tiểu dự án trong quy hoạch 6.000 km cống và kênh hở để chống ngập do mưa.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đã thừa nhận nhiều công trình chống ngập đang chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc phải điều chỉnh thiết kế do khách quan. Vấn đề chống ngập đang là vấn đề rất khó và cần sự phối hợp tích cực hơn của các quận huyện, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ chất vấn ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ TP HCM về công nghệ cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu./.