Nạn buôn bán phụ nữ trẻ em diễn biến phức tạp
65% số người nhập cư là phụ nữ và trẻ em và đa phần là người nghèo khó, thất học, không có nghề chuyên môn… nên có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Chị Bùi Thị Bích Thủy, quê ở Vĩnh Long, đang làm công nhân tại khu Chế xuất Tân Thuận đã 4 lần tham gia lớp nói chuyện chuyên đề về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Thuận Đông, quận 7 tổ chức. Chị cho biết, Công ty chị có khoảng 40 chị em thường xuyên tham dự những chương trình này. Và theo chị, với một công nhân xa nhà như chị thì đây có lẽ là hoạt động tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực.
Chị Bùi Thị Bích Thủy, nói: “Là một công nhân ở tỉnh lên thành phố tìm việc làm, tôi cũng lo sợ bị lừa gạt, dụ dỗ. Trong quá trình làm việc tôi đã được các chị bên Hội Phụ nữ tổ chức cho đi học những lớp phổ biến kiến thức phòng chống buôn người và thủ đoạn lừa đảo. Tham gia những lớp như thế chúng tôi thấy tự tin hơn”.
Hiện TP.HCM có 3 phường đang triển khai dự án Phòng ngừa buôn bán phụ nữ và trẻ em của tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Đó là phường 16 quận 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7 và phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức với hơn 20.000 người dân tham gia. Đây là 3 phường tập trung gần 40.000 dân nhập cư, chiếm gần 50% tổng số dân cư trên địa bàn. 65% số nhập cư là phụ nữ và trẻ em và đa phần là người nghèo khó, thất học, không có nghề chuyên môn… nên có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Sau một năm triển khai, gần 300 chị em đã được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm, các phường đã thành lập câu lạc bộ “Xa quê” và “Phụ nữ nhà trọ” để chị em công nhân nhập cư sinh hoạt, giao lưu.
Bà Lê Thị Lộc, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Thuận Tây, quận 7, cho biết: “Tôi nghĩ công nhân là những đối tượng có nguy cơ rất cao, vì họ từ các tỉnh lên làm việc và chưa có kinh nghiệm, dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hẹn cho mình có công việc nhiều tiền. Vì thế chúng tôi tập trung tuyên truyền vào những đối tượng này, phát tờ rơi”.
Từ đầu năm 2009 đến nay, công an TP.HCM đã phát hiện 5 vụ, xử lý 26 kẻ tổ chức cho người Hàn Quốc xem mặt 300 cô gái đến từ các tỉnh để chọn làm vợ. Hình thức tổ chức “xem mắt chọn vợ”, môi giới hôn nhân với người người Đài Loan, Hàn Quốc là thủ đoạn phổ biến nhất tại TP.HCM. Không ít những người “được tuyển” rơi vào hoàn cảnh đáng thương là từ vị trí cô dâu, họ bị bức hại thành thành gái mại dâm, bị bóc lột tình dục, sức lao động, thậm chí trở thành tội phạm. Riêng nạn nhân trẻ em phần lớn đến từ các tỉnh miền Trung. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu lại ở xa, nên nhiều trẻ em trở thành đối tượng bị bóc lột sức lao động.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết: “Những người dân ở vùng nông thôn khó khăn thì thường đến thành phố để mưu sinh và họ dễ dàng trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Ngoài ra, những ảnh hưởng viễn cảnh trong phim ảnh từ những quốc gia phát triển hơn chúng ta cũng làm cho nhiều chị em tin rằng mình có thể đổi đời khi kết hôn với người nước ngoài. Phần còn lại có thể nói rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương còn yếu trong công tác tuyên truyền. Vì thế dù trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều biện pháp nhưng tình hình vẫn chưa dứt hẳn”.
Tiếp nối dự án ILO đã thực hiện trong thời gian qua, TP.HCM phối hợp cùng Tổ chức Hành động vì phụ nữ, trẻ em có nguy cơ tại Việt Nam - (AFESIP) đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cấp cơ sở tại 24 quận, huyện, đặc biệt là tại những khu vực tập trung đông nữ công nhân nhập cư như: Thủ Đức, Bình Tân… Tuy nhiên, với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, có hệ thống của những kẻ buôn người, công tác tuyên truyền dù được thực hiện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu vẫn chưa đủ mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán trở về phải được quan tâm đúng mức. Quan trọng hơn cả là chính những chị em phải tự ý thức, chủ động bảo vệ mình trước những cạm bẫy của bọn buôn người, có như vậy, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em mới được hạn chế và đi đến chấm dứt./.