Nan giải việc lập lại trật tự an toàn giao thông thủy
Các hộ dân nuôi trồng thủy sản kết hợp kinh doanh ăn uống, khiến các luồng lạch thu hẹp lại, không đảm bảo các quy định về an toàn thủy nội địa
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 300km đường thủy nội địa, 35 bến cảng, hơn 1.000 tàu thuyền công suất dưới 150 sức ngựa, hàng ngàn ghe tàu đánh bắt hải sản các loại.
Đáng chú ý là hệ thống đường thủy nội địa của tỉnh nằm chồng lấn với đường hàng hải nên hoạt động giao thông thuỷ diễn ra khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Năm 2010 đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông thuỷ nghiêm trọng, làm chết 2 người, trong đó có vụ tàu hoa tiêu đâm chìm một thuyền câu cá của ngư dân, làm 1 người thiệt mạng.
Hàng cọc đáy lấn chiếm luồng giao thông thủy trên sông Ba Nanh
Quái trận đồ đáy giăng
Ca nô của đội thanh tra giao thông thuỷ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đưa chúng tôi từ sông Dinh qua sông Chà Và, sông Rạng và Mỏ Nhác. Sau đó chuyển hướng sông Thị Vải. Đây là những tuyến giao thông chính yếu của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vào mùa mưa lũ, nước triều cường tràn ngập cả hai bờ.
Dọc sông Chà Và và sông Rạng, sơ sơ chúng tôi đã đếm được 5-6 hàng đáy cọc cao 5-6 m cắm ngang lòng sông, chưa kể vô số các loại đáy chạy giăng giăng khắp nơi như quái trận đồ. Các phương tiện thủy khi lưu thông với tốc độ cao dễ bị vướng dây đáy, gặp tai nạn. Lâu nay, việc phát hiện và xử lý các hàng đáy này vô cùng vất vả đối với các lực lượng chức năng. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành đền bù giải tỏa, xử lý nhưng vẫn chưa dứt điểm được.
“Năm trước lưới đáy giăng ngang như thế này đã gạt xuống sông một hành khách đứng trên boong, gây tử vong. Chưa kể nhiều vụ các phương tiện, tàu bè ra vào các cảng bị vướng đáy, gây tổn hại phương tiện và ảnh hưởng nhiều đến lịch trình” . Anh em đội thanh tra giao thông thủy cho biết.
Chỉ vào vô số các dãy cọc xám xịt bám đầy hào, một loại thủy sản khoái khẩu của dân nhậu và hàng ngàn lồng nuôi cá bớp thả lềnh bềnh ven 2 bờ sông, ông Nguyễn Đức Tú, Đội phó Đội thanh tra giao thông thuỷ tỉnh cho biết: Tình trạng các hộ dân ở hai bên bờ sông nuôi trồng thủy sản theo mô hình “cá ngoài – hào trong”, tiếp đến là sự xuất hiện của các nhà bè nuôi cá lồng kết hợp kinh doanh ăn uống ngày càng gia tăng khiến các luồng lạch thu hẹp lại, không đảm bảo các quy định về an toàn thủy nội địa.
Làng bè- nhà hàng nổi trên sông Rạng vi phạm luồng giao thông thủy |
Hiện nay, mô hình kinh doanh nhà hàng kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản tập trung chủ yếu trên luồng sông Rạng, địa bàn xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu và xã Tân Hòa, huyện Tân Thành với 3 làng bè hàu là làng bè hàu Hải Lưu, làng bè Long Sơn và làng bè hàu Đực Nhỏ. Ngay tại ngã ba sông Rạng- rạch Tre, gần cầu Ba Nanh, sừng sững khối Làng bè – nhà hàng Hải Lưu án ngữ khúc cua làm mất tầm nhìn từ sông Rạng lên phía thượng lưu sông Mỏ Nhác rất nguy hiểm cho các loại phương tiện lưu thông.
Phổ biến vi phạm quy định an toàn đường thuỷ
Qua kiểm tra, hầu hết các bè hàu đều vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thủy nội địa như: không có chứng chỉ lái phương tiện, không có bảo hiểm, không có sổ danh bạ thuyền viên, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy… Ngay cả bến tiếp nhận khách lên xuống gần cầu Ba Nanh cũng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố cấp phép hoạt động. Một bến vận chuyển khách đủ chuẩn phải đáp ứng được các quy định: mặt bằng chiều rộng tối thiểu là 40m, có hệ thống chống va đập, hệ thống phòng cháy chữa cháy, phải có đèn chiếu sáng ban đêm, nhà chờ và nội quy hành khách…
Do các bến bãi ngang sông hầu hết chưa đủ chuẩn nên các cơ quan chức năng phải thường xuyên quan tâm theo dõi tại các bến bãi và nhắc nhở chủ các phương tiện khi xuất bến phải học tập tốt qui trình xử lý các tình huống, các sự cố xảy ra thì mới có thể ngăn chặn những sự cố đang tiếc xảy ra trên sông nước.
Phao tiêu biến thành bến đậu tàu thuyền! |
Một điều đáng ngại nữa là các chủ tàu, thuyền nhỏ thường xuyên lợi dụng phao dẫn luồng để neo buộc phương tiện, việc làm này có thể sẽ dẫn đến tình trạng phao tiêu bị trôi dạt sai vị trí, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện thủy nội địa. Trên các luồng sông Dinh, Cửa Lấp, Chà Và, Ba Nanh, sông Rạng, khu vực biển Bãi Trước (TP.Vũng Tàu) tình hình vận chuyển cát và khai thác cát trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến; hoặc đổ bùn từ việc nạo vét luồng lạch không đúng nơi quy định (cách mũi Nghinh Phong 10 hải lý).
Đây cũng là những quan ngại cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa hiện nay. Năm 2010, Đội Thanh tra đường thủy đã ra quyết định xử phạt 256 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Nhưng vi phạm trên đường thủy nội địa vẫn diễn biến phức tạp.
Trên thực tế, việc lập lại trật tự trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là mức phạt bằng tiền còn thấp và không có bến bãi để tạm giữ phương tiện nên không đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm.
Tăng cường các biện pháp răn đe
Để lập lại trật tự an toàn giao thông thủy, thời gian qua, Đội Thanh tra đường thủy Sở Giao thông vận tải tỉnh đã phối hợp với lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông đường thủy, Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ đường thủy nội địa… thực hiện hàng trăm lượt tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông và phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Qua đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý, phạt tiền các vi phạm về luồng, phương tiện, về khai thác, vận chuyển cát trái phép… Ngoài việc phạt tiền hàng chục triệu đồng đối với 3 làng bè hàu lớn nói trên, lực lượng chức năng còn yêu cầu di dời toàn bộ công trình ra ngoài hành lang giao thông thủy, hạn chậm nhất là tháng 12 năm nay.
Đồng thời, Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải tỉnh đã yêu cầu chính quyền xã Long Sơn, xã Tân Hòa có kế hoạch theo dõi việc di dời các bè hàu nằm trên luồng tàu, cũng như quản lý chặt chẽ các bến tạm chuyên chở khách qua sông. Đến nay, các làng bè hàu Hải Lưu, Đực Nhỏ đã triển khai xây dựng mặt bằng để phục vụ việc di dời. Duy chỉ còn làng bè hàu Long Sơn là vẫn bình chân như vại. Không rõ có phải cậy vào tấm giấy phép kinh doanh do phòng kinh tế huyện Tân Thành cấp?
“Trong tháng 7- 8, đoàn liên ngành UBND tỉnh đã giải tỏa đăng đáy ở sông Thị Vải, luồng tàu biển, sắp tới sẽ giải tỏa tiếp tuyến thủy nội địa. Để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm luồng, biện pháp thứ nhất là chính quyền địa phương nơi có hệ thống luồng tàu đi qua phải tăng cường quản lý, kiên quyết xử lý ngay khi việc xâm phạm hành lang thủy diễn ra. Hai là các cơ quan chức năng khi cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh ven sông rạch phải làm sao đảm bảo không để cho tình trạng lấn chiếm hành lang thủy diễn ra, gây phức tạp về sau này”. Ông Nguyễn Đức Tú, Đội phó Đội Thanh tra đường thủy Sở Giao thông vận tải tỉnh nói.
Với các biện pháp kiên quyết như trên, hy vọng trật tự an toàn giao thông trên các tuyến luồng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sẽ được lập lại theo đúng quy định, đem lại sự bình yên cho mỗi con tàu khi hành trình, nhất là đang thời kỳ cao điểm mùa mưa bão./.