Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Thống kê không phản ánh hết nỗi đau
VOV.VN - Năm 2024, cả nước đã khởi tố gần 1.900 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đằng sau mỗi vụ án là những câu chuyện đầy ám ảnh về tổn thương tâm lý, đổ vỡ niềm tin và sự đơn độc của trẻ em tại nơi lẽ ra phải là an toàn nhất. Sau những bản án là những nỗi đau dai dẳng mà nạn nhân phải mang theo suốt đời.
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, Việt Nam ghi nhận từ 1.000-1.800 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Gần 60% thủ phạm là người thân hoặc quen biết. Năm 2023, cả nước ghi nhận 2.498 vụ xâm hại trẻ em. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2024 tiếp nhận và điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại, trong đó: 65,1% bị xâm hại thân thể, 28,8% bị xâm hại tình dục, 6,1% bị bỏ mặc.
Các chuyên gia cảnh báo, xâm hại trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu: trong gia đình, trường học, cộng đồng và cả môi trường mạng. Đặc biệt, thủ phạm thường là người quen biết, có mối quan hệ gần gũi với trẻ như họ hàng, hàng xóm, bạn của cha mẹ, thậm chí là người thân ruột thịt...

Giáo dục giới tính: khoảng trống vẫn còn quá lớn
Bà Nguyễn Phương Linh, chuyên gia về quyền trẻ em và giáo dục cho hay, hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí còn xuất hiện nhiều yếu tố mới khiến vấn đề trở nên khó lường hơn.
Bà Linh chỉ ra một số nguyên nhân cả từ phía khách quan lẫn chủ quan: Thứ nhất, tâm lý e ngại và sợ tai tiếng. Nhiều gia đình khi con em bị xâm hại đã chọn cách im lặng, không tố cáo vì lo ngại ảnh hưởng đến danh dự, sợ xấu hổ. Có những vụ việc kéo dài nhiều năm chỉ vì gia đình không muốn công khai. Việc này vô tình khiến trẻ không được bảo vệ kịp thời và triệt để.
Thứ hai, thiếu kiến thức và kỹ năng phòng vệ. Nhiều phụ huynh còn ngần ngại trong việc trao đổi với con về giới tính, lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Trong khi đó, trẻ em lại không được trang bị đầy đủ kỹ năng nhận biết nguy cơ và bảo vệ bản thân.
Thứ ba, môi trường mạng xã hội làm gia tăng rủi ro bị xâm hại tình dục trực tuyến. Nếu như trước đây, các vụ việc chủ yếu xảy ra trực tiếp thì nay xuất hiện thêm hình thức dụ dỗ gửi hình ảnh, clip nhạy cảm qua mạng để tống tiền hoặc đe dọa.
“Trong nhiều buổi chia sẻ, tôi từng nghe trẻ kể về việc bị người lạ nhắn tin yêu cầu gửi ảnh “chứng minh tình yêu” hoặc dụ dỗ tham gia vào các cuộc trò chuyện nhạy cảm. Đây là những nguy cơ rất mới và khó kiểm soát nếu trẻ không có kỹ năng số an toàn”, bà Linh chia sẻ.

Ngoài ra, công tác thực thi pháp luật còn thiếu đồng bộ. Mặc dù hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định đầy đủ và nghiêm khắc, nhưng việc áp dụng trên thực tế còn chưa nhất quán. Có nơi xử lý rất nghiêm minh, nhưng cũng có nơi lại chọn cách “dĩ hòa vi quý”, hòa giải hoặc chỉ xử phạt hành chính, làm giảm tính răn đe. Bà Linh cho rằng, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều không thể chấp nhận và cần phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo vệ trẻ em và tạo niềm tin cho xã hội.
Chuyên gia này khẳng định, nếu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao kỹ năng cho trẻ em, phụ huynh và cộng đồng, đồng thời xây dựng môi trường an toàn cả trong không gian mạng lẫn ngoài đời thực, thì hoàn toàn có cơ sở để hy vọng vào việc ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.
Cũng theo bà Nguyễn Phương Linh, giáo dục giới tính ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều nơi chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức sinh học đơn thuần mà chưa chú trọng đến kỹ năng phòng vệ, nhận diện hành vi xâm hại hay hiểu biết về quyền trẻ em. Trẻ cần được học cách nói “không”, cách rời đi khỏi tình huống nguy hiểm, cách tìm người tin cậy để chia sẻ.
Khi bị xâm hại, nỗi đau càng sâu sắc hơn nếu người gây ra hành vi xâm hại lại chính là người thân, thầy cô hoặc hàng xóm, những người mà trẻ từng đặt trọn niềm tin. Việc bị tổn thương bởi người đáng lẽ phải là chỗ dựa khiến trẻ dễ mất niềm tin vào thế giới người lớn, sống khép kín và phòng thủ.
“Trẻ em, dù là nạn nhân, vẫn thường xuyên phải đối mặt với tâm lý xấu hổ, tội lỗi, thậm chí tự trách mình vì những gì đã xảy ra. Không ít em rơi vào tình trạng khủng hoảng, phải điều trị tâm lý do gặp ác mộng, sợ bóng tối, hoảng loạn khi tiếp xúc với người lạ. Tôi cho rằng, những tổn thương này không chỉ là nỗi đau cá nhân của nạn nhân, mà còn là “vết sẹo” của xã hội nếu không được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời, toàn diện”, bà Phương Linh chia sẻ.
Cần cơ chế bảo vệ trẻ em đồng bộ và hiệu quả
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - nhận định, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện đang diễn biến rất phức tạp và đáng lo ngại. Đặc biệt, nhiều vụ việc xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc học đường, nơi mà lẽ ra trẻ em phải được bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Theo ông Cường, điều đáng báo động là nạn nhân thường là các em nhỏ, thậm chí chỉ vài tháng tuổi và thủ phạm lại chính là người thân như cha mẹ, thầy cô, chú bác... Thực tế cho thấy, trẻ em có thể bị xâm hại bất kỳ lúc nào. Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà là nghĩa vụ của toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và địa phương.
Luật sư Cường cho biết, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đã tương đối hoàn chỉnh trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm gia nhập Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Từ Hiến pháp đến các đạo luật và văn bản dưới luật đều quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của trẻ em, cũng như trách nhiệm của cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng.

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định các hình phạt rất nghiêm khắc với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí có thể bị tuyên án tù chung thân hoặc tử hình đối với hành vi giao cấu, hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Nghị quyết số 06/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đã thống nhất cách hiểu và hướng dẫn xử lý các hành vi như dâm ô, giao cấu, quan hệ tình dục khác… góp phần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý nghiêm minh tội phạm.
Từ thực tiễn hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân bị xâm hại, luật sư Đặng Văn Cường chỉ ra ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc đau lòng. Đó là, nhiều kẻ xâm hại trẻ em có biểu hiện bệnh lý tình dục, rối loạn hành vi, mất kiểm soát lý trí do ảnh hưởng của các yếu tố sinh lý hoặc chất kích thích. Một số khác là đối tượng sống ở vùng sâu, vùng xa - nơi thiếu kiến thức, kỹ năng sống và sự giám sát chặt chẽ từ gia đình, xã hội.
Đặc biệt, nhiều thủ phạm là người thân của nạn nhân, không bị bệnh lý nhưng vi phạm nghiêm trọng đạo đức và pháp luật.
“Với nhóm này, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất để răn đe. Song song đó, nên xem xét áp dụng các biện pháp can thiệp y tế như tiêm hormone nhằm hạn chế tái phạm với đối tượng có biểu hiện lệch lạc tình dục. Khi phát hiện nạn nhân bị xâm hại, không thể thỏa hiệp với cái ác. Cần phải mạnh dạn tố giác, đưa tội phạm ra ánh sáng thì mới ngăn chặn được hành vi tái phạm”, luật sư Cường đề xuất.
Luật sư Cường cũng chỉ ra rằng, việc điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cần sự tham gia của đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về tâm lý, pháp lý trẻ em. Đồng thời, cần đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ giám định, thu thập chứng cứ như ADN, dấu vết sinh học… vì không phải hành vi nào cũng để lại dấu hiệu rõ ràng.
Hiện nay, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả và cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, cần trang bị kỹ năng, kiến thức cho cán bộ tố tụng, nhân viên xã hội để tạo niềm tin cho trẻ và gia đình khi họ tìm đến công lý.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, giải pháp lâu dài và bền vững nhất là nâng cao nhận thức xã hội, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ ngay từ nhỏ: "Không ai bảo vệ trẻ tốt hơn chính gia đình, nhà trường và cộng đồng. Để làm được điều đó, cần sự đồng bộ từ chính sách pháp luật, con người đến cơ sở vật chất và cơ chế tổ chức thực hiện".