Nâng cao chất lượng hệ thống dự báo ở miền Trung
Hệ thống dự báo góp phần quan trọng trong việc phòng, chống và sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Chính phủ đăng ký sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Cộng hòa Italy tiếp tục thực hiện Dự án “Tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo lũ lụt ở Việt Nam – giai đoạn 2”.
Dự án nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn ở toàn bộ khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) tương đối hoàn chỉnh, với công nghệ đo và truyền thông tin tự động theo thời gian thực, nâng cao chất lượng và tính kịp thời của các bản tin dự báo, góp phần phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại khu vực này.
Tháng 10/2004, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Dự án “Tăng cường hệ thống dự báo và cảnh báo lũ lụt ở Việt Nam – Giai đoạn 1”, đến nay, Dự án đã thiết lập 5 Trung tâm dự báo, cảnh báo lũ cấp tỉnh, 1 Trung tâm dự báo, cảnh báo lũ cấp khu vực và 1 Trung tâm dự báo, cảnh báo lũ cấp quốc gia; đồng thời xây dựng một mạng lưới quan trắc tự động gồm 17 trạm khí tượng tự động quan trắc 6 yếu tố, 1 trạm khí tượng - hải văn, 43 trạm thủy văn quan trắc mực nước, mưa và 15 trạm đo mưa độc lập.
Số liệu quan trắc tại các trạm được truyền tự động theo thời gian thực về các trung tâm bằng phương thức Radio UHF và mạng điện thoại di động GSM/GPRS; sử dụng phần mềm và mô hình dự báo HydroSys VN-2010 là chương trình ứng dụng thiết kế và phát triển cho quan trắc và quản lý số liệu khí tượng thủy văn thời gian thực hỗ trợ dự báo và cảnh báo lũ lụt. Dự án còn tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về phần mềm dự báo lũ, quản trị mạng lưới và bảo trì hệ thống... cho hơn 100 cán bộ.
Dự án “Tăng cường hệ thống dự báo và cảnh báo lũ lụt ở Việt Nam – giai đoạn 1” đã góp phần đáng kể nâng cao độ chính xác, kịp thời của các bản tin dự báo liên quan tới các điều kiện về lũ lụt trong các vùng bị ảnh hưởng, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống và sẵn sàng ứng phó với thiên tai./.