Nâng cao năng lực dự báo ngành Khí tượng thủy văn

Việc nâng cao khả năng dự báo chính xác diễn biến và tác động thời tiết góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời là bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.

Đây cũng là ý nghĩa của Ngày Khí tượng Thế giới 23/03 năm nay, với chủ đề “60 năm vì sự bình yên và hạnh phúc của mọi người”, nhân dịp 60 năm thành lập Tổ chức Khí tượng Thủy văn Thế giới.

Do vị trí địa lý tiếp giáp với Biển Đông và khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và khí hậu nhiệt đới gió mùa, nước ta là một trong 10 quốc gia có tần suất bị thiên tai cao nhất trên thế giới. Ước tính trung bình hằng năm Việt Nam bị ảnh hưởng từ 5 đến 7 cơn bão, trong đó chỉ tính riêng năm 2009 nước ta chịu ảnh hưởng 15 bão cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các thông tin Khí tượng thủy văn về thông tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ được truyền trên phương tiện thông tin trợ giúp cho Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão từ Trung ương đến địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, nhanh chóng tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ở nước ta, trong vòng hơn 5 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết hơn 400 người, tài sản thiệt hại ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng bão số 9/năm ngoái làm chết 292 người, thiệt hại trên 24 nghìn tỷ đồng. Theo nhận định chuyên gia Khí hậu môi trường, diễn biễn khí hậu thời tiết ngày càng phức tạp, không theo quy luật, chính là một trong những nguyên nhân làm sai lệch thông tin dự báo thời tiết.

Ông Trần Văn Sáp, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thừa nhận: “Bản tin dự báo chưa chính xác 100% vì diễn biến thời tiết có nhiều hiện tượng dị thường, thiết bị chưa đầu tư đồng bộ…”

Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng thuỷ văn, trình độ dự báo của Việt Nam hiện ở mức trung bình trong khu vực. Công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo chính xác hiện tượng mưa, định lượng mưa cho một điểm tại một tỉnh, thành phố mà chỉ có thể dự báo cho cả một khu vực lớn. Nhất là mạng lưới quan trắc nước ta còn thiếu và lạc hậu, cũng chưa thể dự báo được lũ quét.

Nhưng vấn đề cấp thiết nhất của ngành khí tượng thủy văn lúc này chính là nguồn nhân lực đang thiếu hụt nghiêm trọng. Những người làm công tác khí tượng thủy văn là những người phải chịu đựng vất vả, khó khăn nhất. Nơi nào địa đầu Tổ quốc, nơi nào cao nhất, xa nhất, nơi đó có người của ngành khí tượng thủy văn ngày đêm túc trực.

Giáo sư Nguyễn Văn Ngữ, nguyên Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn cho rằng; Việt Nam cần thực hiện lộ trình đầu tư dài hạn hàng chục năm, vừa nâng cấp trang thiết bị, vừa tăng cường đào tạo nhân lực mới có thể nâng cao độ chính xác của công tác dự báo khí tượng thủy văn từ 75% lên 80%. Giáo sư Nguyễn Văn Ngữ nói: “Cần đầu tư dài hạn như tăng cường đo đạc, xây dựng hệ thống kiểm định chuẩn, triển khai và phát triển các ứng dụng tiên tiến vào trong lĩnh vực dự báo… nhất là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực…”

Trong những thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết cực đoan tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống cộng đồng dân cư nước ta tại những khu vực gần bờ biển, vùng đất thấp, vùng đồng bằng châu thổ sông và đồng bằng ngập lũ. Các nhà hoạch định chính sách và lực lượng phản ứng khẩn cấp đòi hỏi nhiều thông tin hơn để vạch ra những kế hoạch phòng tránh hợp lý nhất. Ngành Khí tượng thủy văn có trọng trách lớn trong việc đảm bảo cung cấp thông tin liên quan tới thời tiết, khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức nhận định: “Do biến đổi khí hậu nên ngành khí tượng thủy văn phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo để phòng chống thiên tai hiệu quả để tạo điều kiện cho những người làm nông nghiệp, lâm nghiệp… có hiệu quả kinh tế cao” .

Để tạo tiền đề thực hiện chiến lược hiện đại hóa toàn ngành ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống thiết bị đo đạc quan trắc và hệ thống truyền tin được hiện đại hóa theo hướng tự động, tạo nguồn số liệu đo thời gian thực, phục vụ dự báo hạn ngắn hạn và dài hạn. Năm nay, ngành khí tượng thủy văn tập trung thực hiện da dạng hóa các bản tin dự báo thời tiết phục vụ các đối tượng sử dụng, hoàn thành lắp đặt hơn 300 trạm quan trắc đo mưa tự động trên toàn quốc. Đến năm 2011 hoàn thành lắp mới 3 trạm rada thời tiết tại Đông Hà (Quảng Trị), Quy Nhơn (Bình Định), đỉnh đèo Pha Đin (Điện Biên).

Thời gian tới, ngành khí tượng thuỷ văn sẽ duy trì các nỗ lực quan trắc và phát triển các mô hình khí hậu tốt hơn. Đây là một hoạt động có tính chất quyết định đối với việc khẳng định vai trò của ngành khí tượng thủy văn đối với phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo an toàn cho hiện tại và tương lai đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên