Nâng cao vị thế ASEM trong tình hình mới
VOV.VN -Đoàn Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực vào tất cả các nội dung lớn của Hội nghị ASEM lần thứ 11
Ngày 12/11, tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 11 đã kết thúc tốt đẹp. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị.
PV Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 11 vừa diễn ra thành công. Xin Thứ trưởng cho biết những dấu ấn nổi bật của Hội nghị?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Diễn đàn hợp tác Á – Âu gọi tắt là ASEM ra đời năm 1996. Trải qua 17 năm hoạt động và trưởng thành, ASEM hiện là cầu nối của 51 thành viên của hai châu lục Á – Âu, chiếm gần 60% dân số; đóng góp hơn 50% GDP và 70% thương mại toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. |
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 là hoạt động quan trọng nhất của ASEM trong năm 2013. Hội nghị diễn ra vào thời điểm tình hình quốc tế và ở hai châu lục Á – Âu tiếp tục có nhiều chuyển biến quan trọng, với nhiều vận hội mới đan xen với các thách thức. Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển là xu thế nổi trội.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn phục hồi yếu, và hệ thống thương mại đa phương trì trệ. Các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, xung đột khu vực và tranh chấp lãnh thổ, biển đảo diễn biến phức tạp hơn.
Với chủ đề “ASEM - Cầu nối quan hệ đối tác vì tăng trưởng và phát triển", hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch và 4 văn kiện kèm theo, với những định hướng, biện pháp cụ thể đẩy mạnh hợp tác và tăng cường vị thế của Diễn đàn trong tình hình mới.
Trước hết, Hội nghị đã chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chung của ASEM đóng góp vào nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu và khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương. Hội nghị nhất trí sớm họp lại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM đã bị gián đoạn từ 2005, và đẩy mạnh hợp tác nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy kết nối khu vực và liên khu vực… Hội nghị ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực nhằm bảo đảm Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 sẽ họp tại Bali đầu tháng 12 đạt kết quả.
Thứ hai, các thành viên nhất trí ưu tiên hợp tác ứng phó với các thách thức phi truyền thống, trong đó có an ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, an ninh và an toàn hàng hải… Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các thách thức trở nên gay gắt hơn, phức tạp hơn và mang tầm toàn cầu, cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia.
Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị bày tỏ tình đoàn kết và cảm thông với nhân dân Việt Nam và Philippines và về những thiệt hại to lớn do trận bão Haiyan vừa gây ra. Tình đoàn kết và hỗ trợ của các thành viên ASEM tại Hội nghị, dành cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Philippines vượt qua khó khăn do bão Haiyan gây ra, phản ánh sinh động sự đồng lòng của ASEM tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong ứng phó với các thách thức phi truyền thống.
Đáng chú ý, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, quản lý bền vững nguồn nước và hợp tác Mekong – Danube trong khuôn khổ “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” được nhiều thành viên quan tâm và đề cao.
Thứ ba, mặc dù vẫn còn những khác biệt, song các thành viên đều chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, và giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS).
Nhiều thành viên nêu bật những tiến triển gần đây giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các thành viên đánh giá cao và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Thứ tư, tiếp nối các thỏa thuận của Hội nghị Cấp cao ASEM 9, các Bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu đổi mới và nâng tầm hoạt động của ASEM cho phù hợp với tình hình. Theo đó, ASEM sẽ tăng cường phối hợp với các cơ chế khu vực và toàn cầu trong nỗ lực phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và thiết lập quản trị toàn cầu công bằng, dân chủ, minh bạch và hiệu quả.
Các thành viên nhất trí cùng nỗ lực để bảo đảm thành công của Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 sẽ tổ chức tại Italy cuối năm 2014, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 tại Luxembourg năm 2015 cũng như nhiều hoạt động thiết thực khác, hướng tới kỷ niệm 20 năm hình thành Diễn đàn ASEM (1996 – 2016).
Hội nghị đã quyết định thành lập 12 Nhóm hợp tác theo lĩnh vực và tăng cường đóng góp của Quỹ Á – Âu (ASEF) nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, và đề ra các bước chuẩn bị cho việc Croatia gia nhập ASEM trong thời gian tới.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao năm nay là hoạt động ASEM lớn nhất mà Ấn Độ đăng cai tổ chức kể từ khi tham gia Diễn đàn năm 2008, góp phần khẳng định vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Ấn Độ nói riêng và của châu Á nói chung.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể gì đối với thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM năm nay?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Đoàn ta đã phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Ấn Độ và các thành viên ASEM, tham gia, đóng góp tích cực vào tất cả các nội dung lớn của Hội nghị lần này, thể hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Nổi bật là, ta tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến của Việt Nam về quản lý bền vững nguồn nước, trong đó có nguồn nước xuyên biên giới, và phòng chống, cứu trợ thiên tai do Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9. Các sáng kiến này tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và là những sáng kiến được nhiều thành viên ASEM đồng bảo trợ nhất.
Các thành viên đánh giá cao thành công của “Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông – Cách tiếp cận tăng trưởng xanh” tổ chức tại Cần Thơ, ngày 21 – 22/3/2013 đã góp phần nâng tầm của Đối thoại ASEM về phát triển bền vững trong thời gian tới. “Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” tổ chức tại Hà Nội ngày 18 – 19/11/2013 có ý nghĩa là hoạt động đầu tiên của ASEM trong lĩnh vực này.
Các thành viên hoan nghênh việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Hội thảo ASEM không chính thức lần thứ 14 về kinh tế và nhân quyền trong năm 2014, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục.
Đồng thời, nhiều đề xuất cụ thể của Việt Nam nhằm tăng cường tính thiết thực của hợp tác ASEM đã được nhất trí đưa vào các văn kiện Hội nghị, trong đó hợp tác bảo đảm an ninh về lương thực, nguồn nước và năng lượng, quản lý bền vững nguồn nước, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ cứu nạn, kết nối tiểu vùng, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hợp tác Me Kong - Danube... Chúng ta cũng góp phần khẳng định lợi ích chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, đề cao vai trò trung tâm và những nỗ lực của ASEAN, Tiểu vùng Me Kong.
Bên cạnh đó, các cuộc tiếp xúc song phương rộng rãi của Đoàn ta với nước chủ nhà Ấn Độ và nhiều Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn thành viên ASEM đã tiếp tục góp phần thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương cũng như tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và đa phương.
Những kết quả thiết thực đạt được tại Hội nghị cũng như tại các cuộc gặp song phương một lần nữa khẳng định Diễn đàn ASEM - nơi hội tụ tất cả các đối tác chiến lược, hầu hết các đối tác toàn diện và đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của nước ta - tiếp tục là một trong những cơ chế đối thoại, hợp tác liên khu vực quan trọng để tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.