"Nâng cấp" rà soát, đảm bảo an toàn sau vụ sập cổng trường ở Lào Cai
VOV.VN - Sau vụ sập cổng điểm trường làm 3 em học sinh tử vong, ngành chức năng tỉnh Lào Cai đang khẩn trương rà soát độ an toàn của các hạng mục trong các trường học.
Việc rà soát được triển khai sau khi Lào Cai xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến mất an toàn trường học như sập cổng điểm trường làm 3 em học sinh tử vong, quạt trần rơi trong lớp học ảnh sức khỏe, tâm lý của nhiều học sinh.
Dù rằng trước năm học đã rà soát một lần, nhưng việc rà soát lần này chắc chắn không thừa. Vì cấp độ rà soát được đẩy lên cao hơn, nghiêm túc, triệt để hơn để đi đến đánh giá thực chất nhất.
Nâng cấp mức độ rà soát
Theo ông Hoàng Minh Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, đợt rà soát này ngoài bằng trực quan, bằng hệ thống máy đo, thước đo thì còn kiểm tra cả trên hồ sơ của các nhà trường để tổ liên ngành của huyện cùng bàn phương án giải quyết.
“Có những công trình nhìn bề ngoài rất đẹp, nhưng xem hồ sơ thấy không đảm bảo, ví dụ như cổng trường không cốt thép, hoặc tường rào có móng là đất mượn thì sẽ tính toán 2 phương án. Một là gia cố khắc phục cho an toàn; hai là không thể gia cố được thì sẽ đập bỏ để đầu tư xây mới”, ông Đức cho biết.
Bước đầu rà soát cho thấy, riêng huyện Bảo Thắng hiện có khoảng 10 công trình phòng, lớp học kiên cố hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước và khá nhiều hạng mục nhỏ lẻ đã cũ trên 5 năm không có hồ sơ thiết kế. Chưa kể Bảo Thắng là huyện vùng thấp, được đầu tư sớm nên không ít công trình đã “có tuổi”.
Tất cả các công trình, hạng mục này sẽ được lưu tâm hơn, nếu đảm bảo thì vẫn tận dụng chứ không đập bỏ hết theo kiểu “cào bằng” để vừa tiết kiệm kinh phí, vừa không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy và học của các nhà trường.
Vô vàn khó khăn
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, vừa qua, 3 đoàn công tác của Sở cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo rà soát thực tế tại các huyện, thành phố, thị xã. Thực tế cho thấy việc đảm bảo an toàn học đường ở địa phương vùng cao như Lào Cai còn vô vàn khó khăn.
Đầu tiên phải nói đến đặc thù miền núi, địa hình hiểm trở, thiên tai thất thường khiến những nhóm nguy cơ mới liên tục phát sinh.
Bên cạnh đó, với những nỗ lực của Lào Cai, đến nay, toàn tỉnh cơ bản không còn phòng học tạm mà thay bằng các công trình khang trang, nhưng đây cũng chính là thách thức về độ an toàn, nhất là ở các điểm trường lẻ vùng cao được hình thành từ nguồn xã hội hóa, với kinh phí eo hẹp.
Đơn cử như có những nơi sân chơi chỉ láng xi măng, hay tường rào không được xây kiên cố mà dựng bằng cột sắt rồi chăng lưới B40. Ngoài ra, những năm trước đây còn có một số nhà dạng cấp 4 hoặc nhà khung sắt do các chương trình, các nhà hảo tâm đầu tư, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp…
“Những công trình này tuy nhỏ, nhưng lại có tác dụng rất lớn đối với các điểm trường, giúp quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất và học sinh. Về mặt hiện tại, các công trình này đang giúp đỡ cho nhà trường, nhưng về lâu dài sẽ tiềm ẩn các nguy cơ và cần được thay thế. Bây giờ chúng tôi cũng đang đánh giá lại, nếu không an toàn thì dứt khoát không sử dụng”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Dũng, ngoài rà soát công trình, hạng mục, ngành giáo dục yêu cầu bản thân các nhà trường phải tăng cường nhận biết, đánh giá nguy cơ mất an toàn; nâng cao hiệu quả quản lý học sinh, dù rằng với địa phương có hơn 600 trường chính và cả nghìn điểm trường lẻ còn “thiếu thốn trăm bề” như Lào Cai không phải câu chuyện giản đơn./.