Nâng độ tuổi trẻ em lên 18 có trái luật?
VOV.VN -Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 nêu rõ “trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Công ước LHQ về Quyền trẻ em được Việt Nam phê chuẩn quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp quy định về tuổi thành niên của nước đó cao hơn, sớm hơn.
Toàn bộ 194 nước phê chuẩn Công ước chỉ còn 6 nước giữ quy định trẻ em dưới 16 tuổi. Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Nâng độ tuổi trẻ em lên 18 có trái luật?
Theo TS. Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ Trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam: Về mặt pháp lý của quốc tế, khu vực châu Á chỉ còn 3 nước là Triều Tiên, Iran và Việt Nam chưa nâng độ tuổi của trẻ em lên 18 tuổi.
TS. Trần Thị Thanh Thanh (Ảnh: Lại Thìn) |
Bà Trần Thị Thanh Thanh khẳng định: Việt Nam ở quốc gia thứ 2 trên thế giới và thứ nhất ở khu vực phê chuẩn Công ước LHQ về Quyền Trẻ em rất sớm (1990), thì không có lý gì lại không công nhận. Lý do quan trọng nhất là nếu thừa nhận các em dưới 18 tuổi là người chưa trưởng thành, thì chúng ta có được cơ chế, luật pháp, chính sách để bảo vệ, đối xử với các em thân thiện, phù hợp với sự phát triển của các em.
Có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta nâng độ tuổi trẻ em lên thì không có đủ điều kiện để bảo vệ, chăm sóc các em. Cũng có ý kiến cho rằng điều này vi phạm, trái với Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Thanh niên.
Tuy nhiên theo bà Thanh Thanh, điều này không hề trái. Luật Hình sự vẫn cho phép ở mức độ nào phải các em chịu trách nhiệm hình sự, ở hình phạt nào. Lứa tuổi 14, dưới 14 tuổi vẫn chưa phải chịu trách nhiệm, nhưng 14 đến 16 tuổi trở lên có những hình phạt phù hợp với sự phát triển của các em, quy trách nhiệm của các em đối với xã hội.
Đối với Luật Lao động cũng không trái. Bởi vì trong Luật Lao động cũng cho phép người từ 15 đến 17 tuổi được làm những công việc gì. Đối với Luật Thanh niên, chương Vị thành niên vẫn quy định hướng theo Công ước Quyền trẻ em. Vì vậy cũng không trái với Luật này. Luật Thanh niên cũng chấp nhận định nghĩa trẻ em là đưới 18.
Phổng phao, tảo hôn đã là người lớn?
ThS. BS. Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh đề xuất này, đặc biệt là phía đoàn thanh niên, bởi các em đang là thanh niên, là người lớn, tự nhiên theo quy định mới bị “tụt” xuống làm trẻ em.
BS Nguyễn Trọng An (Ảnh: KT) |
Có một số ý kiến phản đối, cho rằng hoặc giữ nguyên, hoặc giảm độ tuổi trẻ em xuống dưới 16, vì trẻ em giờ cao lớn, phổng phao, thông minh, kể cả tảo hôn… Thậm chí có ý kiến dẫn chứng trẻ em phạm pháp nhiều, do đó với cớ chưa thành niên nên xử tù nhẹ. Luật nâng lên sẽ dẫn đến nguy cơ phạm pháp nhiều vì họ “cậy là trẻ em”.
Theo BS. Nguyễn Trọng An: “Ý kiến này sai hoàn toàn, vì chúng ta tưởng các em đã là người lớn, trên 16 tuổi rồi đẩy ra ngoài xã hội. Chính sự non nớt, chưa đáng làm người lớn giờ “bị thành người lớn” cho nên các em vi phạm pháp luật nhiều, thậm chí nhiều hơn. Việc điều chỉnh tuổi trẻ em được dựa trên các căn cứ khoa học của ngành y, các chuyên gia y tế quốc tế, đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới về khung xương, bộ não… Các chuyên gia tâm lý nghiên cứu cũng cho thấy tuổi này vẫn còn non nớt, còn trông chờ vào bố mẹ, người lớn. Tại sao chúng ta lại đẩy các em trở thành người lớn? Các em cần sự chăm sóc, đùm bọc nhiều hơn từ gia đình và xã hội”.
Nâng tuổi trẻ em có tốn thêm ngân sách?
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng An phân tích thêm: “Về vấn đề chi tiêu ngân sách, có ý kiến cho rằng sẽ tốn thêm tiền để chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, giai đoạn đó ở người lớn vẫn có chăm sóc, vẫn phải tốn tiền cơ mà? Khi tính toán chúng tôi thấy từ lứa tuổi dưới 16 đến dưới 18 là 4,3 triệu em, hàng năm sẽ tốn một khoản tiền để chăm sóc những trẻ em này nhưng đó là chăm sóc chung. Nếu các em là thanh niên thì các em vẫn phải được chăm sóc, đi học, nuôi dưỡng.
Chỉ có đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của luật, chiếm khoảng 5 – 6% trong số này, được hỗ trợ của Nhà nước như chăm sóc, phục hồi chức năng… thì tốn khoảng 12 tỷ đồng/1 năm. Nếu làm tốt thì sẽ tạo ra sự ổn định và phát triển của xã hội”.
TS. Trần Thị Thanh Thanh cũng chỉ rõ: “Có lý do đưa ra là để trẻ em lên 18 tuổi thì kinh phí sẽ cao hơn. Có một nghiên cứu cho thấy sẽ tăng ở một số lĩnh vực, đặc biệt là phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên mặt đó không lớn, chỉ 3% so với chi phí của an sinh xã hội. Do đó có thể thừa nhận ở độ tuổi 18 là người chưa thành niên, trẻ em bao gồm cả độ tuổi chưa thành niên”./.
Luật bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành, Luật bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, việc sửa đổi lần này góp phần thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về thực hiện các quyền trẻ em, tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc tham gia.
Dự thảo lần này gồm 6 chương với 96 điều (tăng 36 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành), tập trung bổ sung, sửa đổi các quy định về quyền và bổn phận của trẻ em; quy định về hệ thống bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em…