Dự kiến nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18
VOV.VN -Nội dung quan trọng dự kiến sẽ có trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) là quy định nâng độ tuổi trẻ em
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2004) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền trẻ em và các chính sách về trẻ em. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng dự kiến sẽ có trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) là quy định nâng độ tuổi trẻ em là những người dưới 18 tuổi thay cho Luật hiện hành quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh trao đổi với VOV về vấn đề này.
PV: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) dự kiến nâng độ tuổi trẻ em là những người dưới 18 tuổi thay cho Luật hiện nay đang quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Theo bà điều này có phù hợp không?
Bà Ngô Thị Minh: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) lần thứ 2 này dự định sẽ đưa ra trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 cuối năm nay. Trong nhiều nội dung thì có một nội dung cơ quan soạn thảo đang gửi sang bên Ủy ban để thẩm tra, đó là nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18. Qua một số cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, chúng tôi nhận thấy rằng cần thiết phải nâng độ tuổi này. Bởi vì khi chúng ta nghiên cứu kỹ Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, tại điều 1 của Công ước nói rất rõ, tuổi của trẻ em được quy định trong Công ước là dưới 18 tuổi, trừ những nước quy định tuổi chưa thành niên thấp hơn. Việt Nam không quy định tuổi vị thành niên thấp hơn 18. Do đó, sau quá trình xem xét, cân đối, kể cả tác động ngân sách, của hệ thống pháp luật xem xét việc nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 có phù hợp hay không. Về cơ bản, các chuyên gia dưới góc nhìn nhiều chiều đều nhận thấy việc nâng là hợp lý và quyền lợi cho trẻ tốt hơn, phù hợp với công ước.
PV: Nhiều ý kiến lo ngại, việc nâng độ tuổi trẻ em sẽ làm thay đổi nhiều bộ luật liên quan khác, đặc biệt sẽ làm tăng người trẻ phạm tội. Ý kiến của bà như thế nào?
Bà Ngô Thị Minh: Thực ra nếu quy định độ tuổi trẻ em dưới 18, nhiều người cho rằng sẽ ảnh hưởng đến một số luật khác. Tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam là phù hợp. Luật có quy định độ tuổi người chưa thành niên, không phải cứ nâng tuổi trẻ em dưới 18 thì mọi thứ quy định đều theo trẻ em dưới 18. Ví dụ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em, trong Công ước nói rất rõ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em tối thiểu là 12 tuổi. Việt Nam quy định là 14 vẫn không trái với Công ước, tôi cho là vẫn đang phù hợp với thời điểm hiện nay. Nếu nâng tuổi trẻ em lên 18 thì thống kê số trẻ phạm tội sẽ nhiều hơn nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận điều đó vì trẻ em có quyền được bảo vệ. Trẻ em vi phạm pháp luật cũng là 1 trong 10 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Để ngăn chặn việc trẻ em vi phạm pháp luật thì chúng ta phải coi trọng giáo dục ngay từ đầu. Không chỉ giáo dục trong nhà trường mà phải giáo dục ngoài nhà trường, tại gia đình. Hiến pháp năm 2013 một lần nữa nhấn mạnh quyền được tham gia của trẻ em. Mặc dù Việt Nam ký Công ước từ năm 1990, quyền tham gia của trẻ em đã được nhấn mạnh trong Công ước này nhưng chúng ta chưa cụ thể hóa quyền tham gia của trẻ em một cách tốt nhất. Vì vậy, trẻ em phải được quyền tham gia tất cả những vấn đề liên quan đến trẻ em. Khi nâng độ tuổi của trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18, có nhiều nhóm trẻ đặc biệt sẽ rơi vào điều kiện phải chăm sóc. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài chính và Bộ cũng thấy việc nâng không nhiều, chỉ tăng khoảng 5% so với hiện nay. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn có thể đáp ứng được.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.