Nắng nóng, cảnh báo nguy cơ sốt co giật và bệnh truyền nhiễm ở trẻ
VOV.VN -Khu vực Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng đang chịu nắng nóng kéo dài 35-36 độ C gây oi bức, khó chịu khiến các bệnh lý ở trẻ chiều hướng tăng cao.
Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM vừa tiếp nhận một trường hợp khá hy hữu. Đó là bé gái 9 tháng tuổi đang được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám tiêu chảy kèm theo sốt. Trong lúc đang ở phòng khám chờ đến lượt thì bé đột ngột lên cơn sốt cao, biến chứng co giật khiến ba mẹ hốt hoảng. Ngay sau đó, bé đã được đưa đến Khoa hồi sức tích cực để được xử lý. Tại đây, bé đã được lau mát, thông đường thở, đặt nằm nghiêng cho thở oxy. Vài phút sau thì bé hồi tỉnh. Đến tối, tình trạng của bé ổn định nên đã được chuyển sang Khoa tiêu hóa tiếp tục điều trị.
Nhiều trẻ chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM (Ảnh minh họa Tuổi trẻ) |
Theo Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, có thể do bé đang sốt cao cộng với nhiệt độ bên ngoài tăng cao là nguyên nhân khiến bé co giật. Trong các tình huống này, nếu phụ huynh không biết cách xử lý có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bé: “Khi ở nhà thì lập tức cho em bé nằm nghiêng. "Sở dĩ phải đặt bé nằm nghiêng vì lúc này lưỡi của bé sẽ rớt ra phía trước không làm tắc đường thở. Nếu chẳng may bé có ói ra đàm nhớt thì tư thế này cũng sẽ giúp tống khứ dịch ra. Nếu áp dụng theo cách này, khoảng vài chục giây sau, bé sẽ hết co giật. Tuyệt đối không nặn chanh, đổ sả, đổ nước vào miệng bé lúc này vì sẽ gây hít sặc, biến chứng viêm phổi”- Bác sĩ Quang nói.
Cũng theo bác sĩ Quang, chính sự thay đổi của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus bùng phát khiến trẻ mắc bệnh, trong đó là các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh lý hô hấp, bệnh lý về da, các bệnh truyền nhiễm. Bệnh lý về đường tiêu hóa có thể kể ra là tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm do thức ăn trong môi trường nóng dễ ôi thiu, ô nhiễm…. Do đó, phụ huynh cần chú ý thực hiện việc ăn chín, uống sôi bảo vệ trẻ.
Tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi đồng 1, số bệnh nhi đến khám từ đầu tuần đến nay luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, tại đây tiếp nhận 4.000 đến 5.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong số đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh lý về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay chân miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não.
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Chúng ta lưu ý là cần cho bé bổ sung nước, đặc biệt là vấn đề về tiêm chủng. Hiện tại việc tiêm chủng chưa được thực hiện tốt nên một số bệnh tăng, đặc biệt là sởi. Những trẻ chưa tiêm phòng sởi thì thường mắc sởi có thể nặng, nhất là những trẻ vừa bị sởi vừa viêm phổi thì diễn tiến nhanh và nặng”.
Đợt nắng nóng đầu tiên sau Tết nguyên đán, tại TP.HCM chỉ số bức xạ tia cực tím UV vượt ngưỡng an toàn ở mức 8 -10. Các chuyên gia nhận định, tia cực tím có thể gây phỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, phụ huynh cần chú ý các biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp với sự thay đổi bất thường của thời tiết./.