Nắng nóng, sử dụng thiết bị điện đúng cách để phòng cháy nổ
VOV.VN -Cần sử dụng hợp lý nguồn điện, hạn chế các thiết bị tiêu hao lớn điện năng… tránh quá tải xảy ra chập cháy.
Theo con số thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội xảy ra gần 90 vụ cháy, gây thiệt hại lớn về người và của. Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố khuyến cáo, các cơ quan, đơn vị và người dân không được chủ quan, lơ là, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng cao điểm như hiện nay.
Nếu quá tải, các trụ điện như thế này rất dễ xảy ra cháy chập. |
Gần một tháng trôi qua, nhưng anh Lê Hoàng Vân, ở ngõ 151 tổ 53, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ cháy làm 5 người trong một gia đình cùng tổ dân phố của anh thiệt mạng. Ngọn lửa bùng lên lúc nửa đêm, nên công tác cứu người bị nạn gặp rất nhiều khó khăn. Anh Lê Hoàng Vân cho biết, khi phát hiện vụ cháy thì hầu như mọi chuyện đã muộn, bởi ngọn lửa bùng lên quá nhanh: “Vụ cháy xảy ra một thời gian rồi nhưng giờ nhắc lại chúng tôi vẫn lo âu. Từ khi tôi chuyển về đây sinh sống hàng chục năm nay rồi chưa bao giờ xảy ra vụ cháy khủng khiếp như thế. Qua vụ cháy này, tôi nghĩ các ngành chức năng, cũng như người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng cháy chữa cháy”.
Gần đây nhất là vụ cháy tại tiệm bánh mỳ trên đường Phùng Khoang, quận Thanh Xuân làm 1 người chết, hai người bị thương nặng; vụ cháy lán trại tại một công trường xây dựng tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai làm hàng nghìn công nhân hoảng loạn…
Báo cáo của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, trong gần 90 vụ cháy xảy ra từ đầu năm đến nay thì gần một nửa là do chập điện. Trong đó, có thể kể đến vụ cháy làm 5 người chết tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai vừa qua. Nguyên nhân của vụ việc đau lòng này là do chập điện tại cột điện ngay gần ngôi nhà xảy ra vụ cháy. Thực tế, hệ thống điện lưới chằng chịt, chạy sát nhà dân, công sở đang là hiểm họa đối với công tác phòng cháy chữa cháy. Vào thời điểm nắng nóng như hiện nay thì khả năng cháy, nổ chập điện càng cao.
Ngoài những vấn đề khách quan, tồn tại của quy hoạch đô thị… thì còn có nguyên nhân do sự chủ quan, lơ là của người dân trong phòng cháy, chữa cháy. Không ít cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa ý thức hết trách nhiệm trong công tác đối phó với hiểm họa cháy nổ. Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra gần 15.000 lượt đơn vị, cơ sở về phòng cháy chưa cháy, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện trên 50.000 tồn tại thiếu sót về phòng cháy chữa cháy; xử phạt hành chính 1700 tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trong khi đó, việc phát triển lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, dân phòng còn nhiều bất cập, phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nên khó đáp ứng chữa cháy tại chỗ, nhất là những vụ cháy lớn. Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện đang thiếu 8.000 trụ nước để thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy…
Trước thực trạng thiếu thốn về phương tiện và những tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng thẩm duyệt, cấp biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Từng bước rà soát, đề xuất giải quyết dứt điểm việc các dự án, công trình xây dựng không thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, chưa được nghiệm thu vẫn đưa vào khai thác, sử dụng.
“Chúng tôi đang huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng và phòng cháy cơ sở, để họ giúp công tác đó ở địa bàn, đi kiểm tra, hướng dẫn phòng cháy cho khu dân cư, cho các gia đình. Về cơ quan phòng cháy chữa cháy thì chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp. Vừa rồi chúng tôi đã giao cho đoàn thanh niên làm ngoài giờ đến tất cả các khu dân cư tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy” – ông Sơn nói.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cũng khuyến cáo, vào những ngày nắng nóng như hiện nay, người dân cần sử dụng hợp lý nguồn điện, hạn chế các thiết bị tiêu hao lớn điện năng… tránh quá tải xảy ra chập cháy. Khi nhà không có người ở nên tắt hết các thiết bị điện, ngắt cầu dao tổng./.