Nâng vốn Nhà nước lên 70% để thực hiện được cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh
VOV.VN - Muốn Cao Bằng phát triển, muốn xoá được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nhưng nhiều nhà đầu tư đến Cao Bằng rồi lại "một đi không hẹn ngày trở lại"...
Ngày 21/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 9725/BKHDT trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với dự án đường cao tốc từ Đồng Đăng tới Trà Lĩnh lên 70% và dự án đường ven biển Thái Bình là 80%. Hai dự án này có đặc điểm chung là doanh thu và lưu lượng xe rất thấp, nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này ở mức quy định hiện nay là 50% thì phương án tài chính sẽ không khả thi.
Nhà đầu tư đến Cao Bằng rồi lại "một đi không hẹn ngày trở lại"...
Là dự án trọng điểm phát triển kinh tế vùng, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn chưa thể triển khai khi thiếu nguồn đầu tư. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 14.330 tỷ đồng, dù còn khó khăn nhưng ngân sách của tỉnh Cao Bằng cũng đã bố trí hơn 4000 tỷ đồng, phần còn lại khó huy động vốn từ ngân hàng do phương án tài chính không khả thi, nếu không tăng vốn ngân sách nhà nước lên để đảm bảo phương án tài chính thì không thể thực hiện được.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiều lần chia sẻ rằng, những năm qua, nhiều nhà đầu tư đến Cao Bằng nghiên cứu rồi lại "một đi không hẹn ngày trở lại".
“Muốn Cao Bằng phát triển, muốn xoá được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là mong mỏi của nhân dân Cao Bằng rất là lâu rồi nhưng rõ ràng là chưa có điều kiện để tổ chức thực hiện”, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng khẳng định.
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, phần lớn ở các địa phương chậm phát triển đều có yếu tố giao thông còn yếu kém. Chính vì thế Việt Nam nên huy động thêm nhiều nguồn vốn, nguồn lực cho giao thông, đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chỉ khi giao thông tốt thì người dân mới thoát nghèo, thì kinh tế mới tăng trưởng được.
"Nếu không có quy định đặc thù thí điểm, quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được xem xét quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lớn hơn 50% đối với các dự án PPP đường bộ thì rất khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia, bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy kinh tế bứt phá", ông Jonathan Pincus nói.
Từ năm 2020 đến nay, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP ra đời và có hiệu lực thi hành mới chỉ có 6 dự án được phê duyệt chủ trương theo phương thức này và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư. Do đó cần phải nghiêm túc đánh giá nguyên nhân do thể chế pháp luật, chính sách hay nguyên nhân nào khác. Vướng mắc lớn nhất được các nhà đầu tư chỉ ra đó là quy định về vốn nhà nước tham gia dự án PPP tối đa 50% tổng vốn đầu tư là chưa phù hợp.
Khi tham gia nghiên cứu đề xuất dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu để hạ tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng, tức là giảm hơn một nửa so với dự toán trước đây bằng cách áp dụng các công nghệ mới. Nhưng dù có giảm thì câu chuyện tài chính vẫn rất khó để thực hiện dự án.
Ngay cả những khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế thì việc thu hút các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP cũng không phải là dễ dàng. Chính vì thế ở các khu vực khó khăn nếu có sự tham gia của nhà đầu tư cùng Nhà nước để hoàn thiện hệ thống giao thông cũng rất đáng coi trọng.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng cao tốc Phương Thành cho rằng: “Có những dự án lưu lượng xe ít nhưng vì cái điều kiện làm dự án để phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền, an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội thì cái việc nhà nước phải tham gia vào trên 50% là cái điều mà rất là rất thiết”.
Sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội “Chi phí giải phóng mặt bằng rất là lớn, nếu như chúng ta mà tính tổng chi phí mặt bằng vào trong tổng chi phí dự án và nhà nước chỉ đóng góp 50% thì nhiều khi nhà đầu tư phải bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng và như vậy thì cái thời gian để thu hồi được vốn đầu tư là nó không khả thi”.
Tỷ lệ góp vốn của nhà nước không hấp dẫn sẽ không thu hút được nhà đầu tư, dự án bị chậm trễ triển khai hay phải chuyển sang hình thức đầu tư công thì người dân bị thiệt thòi, nhà nước sẽ mất thêm tiền đầu tư và quản lý vận hành sau này là những hệ luỵ thấy rõ.
Ông Nguyễn Công Long, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Quốc hội nhận định: “50%, đây chính là nút thắt chưa thu hút được các nhà đầu tư. Bởi vì điều quan trọng nhất của thu hút PPP đó là vai trò của nhà nước và thứ hai đó là vấn đề chia sẻ cái rủi ro, chia sẻ vấn đề lợi nhuận, doanh thu suy giảm, đấy là vấn đề mấu chốt”.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Thịnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đồng quan điểm khi cho rằng: “Trong bối cảnh các dự án đã được lập, đã được triển khai đầy đủ rồi mà bây giờ chỉ còn việc liên quan đến tỷ lệ cơ cấu vốn của nhà nước mà chúng ta lại không điều chỉnh kịp thời thì những thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn. Chúng ta chỉ cần tăng lên thôi thì lợi ích đem lại vô cùng lớn cho ngành kinh tế và cho cả đất nước”.
Tuần trước, nghị trường Quốc hội cũng “nóng” việc giải quyết những vướng mắc trong đầu tư hạ tầng giao thông đã gây được sự chú ý của dư luận khi vấn đề này được nêu ra rất sôi nổi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Theo Đại biểu Phạm Thuý Chinh, đoàn ĐBQH Hà Giang, việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước so với quy định hiện hành là chưa đủ để tăng sức hấp dẫn đối với các dự án PPP giao thông, thậm chí có thể trở thành một hình thái mới về đầu tư công.
Đại biểu Phạm Thuý Chinh cho rằng, vấn đề các nhà đầu tư trăn trở nhất hiện nay chính là việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ hợp đồng được quy định trong Luật PPP và hợp đồng ký kết, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Bên cạnh đó, các bên liên quan tại các dự án PPP cần chú trọng tới cả vòng đời dự án, trong đó có công tác vận hành, bảo trì, thu phí hoàn vốn… tránh tình trạng chỉ tập trung vào giai đoạn xây dựng.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn đại biểu Hà Nội cũng cho rằng, tỷ lệ vốn góp không nên quy định cứng mà phải căn cứ vào tính chất của các dự án và giai đoạn triển khai cụ thể khi triển khai công trình.
Đại biểu đề nghị sắp tới, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, các dự án PPP đang bế tắc, mà rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế đang bế tắc.
Từ trước đến nay, quy định liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông cũng chưa được hấp dẫn, tối đa là Nhà nước hỗ trợ 50%, nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn, chính vì thế cho nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không được nhiều và đây cũng là một bất lợi. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút chúng ta cũng phải nhìn nhận và điều chỉnh.
Trên thực tế, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm (2021 - 2025) chiếm khoảng 32%-34% GDP, tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư công chỉ khoảng 16%-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nghĩa là nguồn vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển.