Nên tạm "nén" nhu cầu, không tăng lương để giảm áp lực cho doanh nghiệp?

VOV.VN - Nhiều chuyên gia kinh tế, tiền lương đồng tình với đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về việc không tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 để đảm bảo sức phục hồi của doanh nghiệp sau dịch Covid-19.

Bộ LĐ-TB-XH vừa đề xuất Chính phủ không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Năm 2020, Bộ LĐ-TB-XH được giao nhiệm vụ dự thảo Nghị định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 báo cáo Chính phủ. Được biết, để đi đến đề xuất này, trước đó, hồi tháng 8/2020, Hội đồng tiền lương quốc gia đã trải qua 2 phiên thương lượng giữa đại diện giới chủ sử dụng lao động (VCCI) và đại diện cho người lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam).

Kết thúc 2 phiên thương lượng, kết quả bỏ phiếu cho thấy có đến 9/13 phiếu tán thành phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021. Dựa trên kết quả họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, Bộ LĐ-TB-XH thống nhất với khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia về việc chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, chuyển sang thực hiện tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm thích hợp năm 2021, dự kiến quý 3/2021.

Đồng tình với đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, bà Tống Thị Minh, nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, chưa nên tăng lương tối thiểu năm 2021: “Đề xuất tăng lương ở thời điểm hiện tại chưa phù hợp, doanh nghiệp đang loay hoay khi tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Chính phủ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thông qua các chính sách như giảm thuế, cho vay lãi suất thấp... Nếu tăng lương tối thiểu, sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao, khả năng nhiều doanh nghiệp khó khăn sẽ phải sa thải bớt lao động”, bà Minh cho biết.

Trong bối cảnh người lao động cần duy trì việc làm và doanh nghiệp cần tái tạo sức kinh doanh sau những khủng hoảng bởi dịch Covid-19, bà Tống Thị Minh cho rằng, cần tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Thậm chí, việc tăng lương có thể dẫn đến tăng nguy cơ lao động mất việc.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cũng cho rằng, chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Mục tiêu trước mắt cần đảm bảo việc làm cho người lao động.

Theo bà Lan Hương, hiện nay tình hình sản xuất trong nước đang dần phục hồi trở lại, song hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế vẫn đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Do đó, bà Lan Hương cho rằng, cần tính toán kỹ việc tăng lương tối thiểu, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, người từng có nhiều năm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cũng cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người lao động. Nhu cầu của người lao động ngày càng cao, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, cũng cần tìm cách “nén” nhu cầu lại”, người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp. Mức tăng lương tối thiểu vùng 2021 nên được giữ ở mức ổn định như hiện nay để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi. Ở một góc độ khác, không tăng lương cũng nhằm bảo vệ việc làm cho lao động, bởi nếu doanh nghiệp “chết” cũng đồng nghĩa với đẩy lao động vào tình trạng thất nghiệp.

Trước đó, khi thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng 2021, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Hợp đồng mới chưa có, trong khi hợp đồng cũ đã thực hiện nhưng lại bị ép giá, lùi thời gian thanh toán. 

Những khó khăn này đang đè nặng lên doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp đã phải dùng nguồn vốn tích lũy dùng cho phát triển để tung ra nuôi quân, giữ chân người lao động, với mong muốn khi tình hình khả dĩ hơn sẽ tiếp tục sản xuất.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, cả nước đã có trên 56.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Với tư cách đại diện chủ sử dụng lao động, VCCI đã có văn bản chính thức báo cáo với hội đồng tiền lương là dừng không bàn tăng lương tối thiểu vùng 2021 để khuyến nghị các cơ quan chính quyền địa phương có giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực này.

Đại diện VCCI cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần có nhiều hình thức khác nhau để bồi dưỡng, đào tạo lại lực lượng lao động, có chương trình cụ thể nhằm giữ chân người lao động. Quyết tâm cao nhất của doanh nghiệp là tạo việc làm đảm bảo cho người lao động, nhưng hiện nay việc này đang thực sự khó khăn cần sự quyết tâm cao của chủ lao động, người lao động và cả các cơ quan liên quan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chưa đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
Chưa đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

VOV.VN - Đã có 9/13 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia bỏ phiếu đồng thuận không tăng lương tối thiểu vùng 2021. Song phía Tổng LĐLĐ từ chối không bỏ phiếu.

Chưa đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Chưa đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

VOV.VN - Đã có 9/13 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia bỏ phiếu đồng thuận không tăng lương tối thiểu vùng 2021. Song phía Tổng LĐLĐ từ chối không bỏ phiếu.

Lương tối thiểu vùng 2021 có tăng trong bối cảnh dịch Covid-19?
Lương tối thiểu vùng 2021 có tăng trong bối cảnh dịch Covid-19?

VOV.VN - Sáng nay (5/8), Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 để "chốt" mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

Lương tối thiểu vùng 2021 có tăng trong bối cảnh dịch Covid-19?

Lương tối thiểu vùng 2021 có tăng trong bối cảnh dịch Covid-19?

VOV.VN - Sáng nay (5/8), Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 để "chốt" mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.