Nên xử nghiêm học sinh đi xe đạp điện đánh võng, lạng lách

VOV.VN - Tình trạng học sinh đi xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường đang diễn ra rất phổ biến. 

Thời gian gần đây xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của giới trẻ và người cao tuổi các thành phố trên cả nước. Ngoài 2 đối tượng là người già về hưu và học sinh, thì những người đang làm việc tại các cơ quan hành chính cũng có xu hướng sử dụng xe đạp điện như một phương tiện hữu ích để đi lại.

Xe đạp điện phát triển nhanh do có nhiều tiện dụng như gọn nhẹ, không cần bằng lái và không phải đổ xăng. Nhưng điều đáng lưu ý là học sinh đi xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, tạt đầu hay chạy quá tốc độ trên đường phố đang diễn ra rất phổ biến. Thực tế đã có không ít vụ tai nạn thương tâm lien quan tới xe đạp điện. Chính vì vậy, việc quản lý và xử phạt xe đạp điện vi phạm trật tự an toàn giao thông là vấn đề cần được quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, PV VOV đã có cuộc phỏng vấn Trung tá Phạm Văn Hậu – Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

PV: Hiện nay do sử dụng xe đạp điện không cần đăng ký nên khó xác định được số lượng phương tiện thực tế tham gia giao thông. Theo ông quan sát, trên địa bàn Hà Nội, xe đạp điện gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông như thế nào?   

Trung tá Phạm Văn Hậu: Trong năm qua, để kiềm chế tai nạn giao thông cũng như phòng ngừa ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Công an Thành phố và Sở Giáo dục và đào tạo đã xây dựng quy thế phối hợp và đạt được những kết quả rất tích cực. Mục tiêu đạt được trong năm học 2012- 2013 là phòng ngừa vi phạm của học sinh đã giảm. Thứ hai là không còn tai nạn liên quan đến học sinh. Thứ ba là phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa ùn tắc tại cổng trường.

Trong các phương tiện lưu thông trên các tuyến giao thông, có xe đạp điện đang được học sinh là đối tượng sử dụng nhiều nhất. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa tai nạn luôn được chúng tôi hết sức quan tâm. Trong năm qua, chúng tôi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các biện pháp phòng ngừa, chủ yếu là ghi hình tại cổng trường, chuyển những video ghi nhận được tới các nhà trường, thông qua đó để nhận diện các em học sinh vi phạm, xử lý theo quy định của nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, căn cứ vào Luật giao thông hay những Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 34 và 71 sửa đổi để áp dụng phù hợp với lứa tuổi đúng quy định của Pháp luật.

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm vẫn đang diễn ra rất phổ biến (ảnh minh họa)

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn những quy định về quản lý và xử phạt người sử dụng xe đạp điện vi phạm an toàn giao thông hiện nay?

Trung tá Phạm Văn Hậu: Trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 34 sửa đổi bổ sung, Nghị định 71 của Chính phủ quy định rất rõ tại Điều 4, Khoản 11: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông bị xử phạt. Thứ hai là chở người ngồi trên xe đạp điện, xe máy không đội mũ hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách (trừ trường hợp chở bệnh nhân đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi; áp giải người có hành vi vi phạm luật giao thông; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật đi vào đường cấm, khu vực cấm, đường ngược chiều…

Nghị định 34 quy định rất rõ về các hành vi vi phạm của các chủ phương tiện xe đạp điện, xe máy cũng như các chế tài xử lý các đối tượng từ 16-18 tuổi và dưới 16 tuổi..

PV: Trong các trường hợp CSGT yêu cầu người vi phạm giao thông dừng xe để nhắc nhở, thì những đối tượng vi phạm có nắm được quy định này hay không, thưa ông?

Trung tá Phạm Văn Hậu: Các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm giao thông của các đối tượng sử dụng xe đạp điện đã được các cơ quan báo chí, cơ quan ban ngành đặc biệt là cơ quan công an, trong đó có phòng CSGT đã thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua các bài giảng trực tiếp tại trường học, cơ quan doanh nghiệp, cụm dân cư… Qua đó, mọi đối tượng tham gia giao thông đều nắm được quy định này.

Xử lý học sinh vi phạm giao thông còn nhiều khó khăn

PV: Đối với các em học sinh đi xe đạp điện phóng nhanh vượt ẩu, hay vi phạm an toàn giao thông, trong một số trường hợp CSGT yêu cầu dừng xe nhắc nhở, và cũng có trường hợp không xử phạt. Lý do vì chưa có quy định rõ ràng hay còn có những nguyên nhân khác?

Trung tá Phạm Văn Hậu: Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô mặc dù đã được cải thiện, song lực lượng CSGT cũng đã xây dựng phương án để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có công tác phòng ngừa giao thông trong giờ cao điểm được ưu tiên hàng đầu. Do vậy những trường hợp đặc biệt như học sinh, sinh viên đi học trong giờ cao điểm thì được ưu tiên trong công tác phòng ngừa ùn tắc. Việc xử lý học sinh, sinh viên vi phạm chủ yếu thông qua công tác ghi hình tại cổng trường, các điểm gửi xe xung quanh trường, sau đó chúng tôi sẽ gửi video tới nhà trường để nhận diện học sinh, xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, khi tuần tra, kiểm soát chúng tôi gặp phải những khó khăn. Thứ nhất là các đối tượng vi phạm khi thấy lực lượng CSGT thường quay đầu bỏ chạy, thứ hai là xe đạp điện không có biển số xe, nên chúng tôi đã ghi hình đặc điểm nhận dạng thông qua đồng phục trường để xử lý theo quy chế.

PV: Theo ông, việc xử lý “nhẹ nhàng” như vậy liệu có thể trở thành nguyên nhân khiến đối tượng vi phạm là học sinh, sinh viên đi xe đạp điện “nhờn” luật hay không?

Trung tá Phạm Văn Hậu: Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là chế tài. Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đối tượng từ 16-18 tuổi xử phạt bằng ½ mức xử phạt chính, do vậy mức xử phạt này vẫn nhẹ.

Thứ hai là chúng tôi tập trung xử lý những trường hợp chưa đủ 16 tuổi, điều khiển các loại phương tiện này thì chúng tôi tạm giữ phương tiện và mời bố mẹ các em đến để lập biên bản các bậc phụ huynh đã giao xe cho con em không đảm bảo các điều kiện khi tham gia giao thông. Đây cũng là phương án phối hợp giữa cơ quan công an, gia đình, nhà trường, trong đó công tác quản lý từ phía gia đình vẫn là chính.

Chúng tôi mong các bậc phụ huynh quan tâm, quản lý con em mình chấp hành đúng luật giao thông, đó cũng là cách phòng ngừa tai nạn cho chính con em mình.

PV: Nhằm tăng cường quản lý, xử lý vi phạm khi tham gia giao thông, theo ông, trong thời gian tới cần bổ sung những quy định gì? CSGT Hà Nội đã có kế hoạch gì để tăng cường quản lý phương tiện xe đạp điện khi tham gia giao thông?

Trung tá Phạm Văn Hậu: Hiện nay chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về quản lý xe đạp điện khi lưu thông trên đường. Ví dụ như tăng chế tài, quy định cụ thể về người tham gia giao thông đối với phương tiện này.

Từ đầu năm đến nay, phòng CSGT Công an TP Hà Nội xác định đối tượng nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đối với nhóm lứa tuổi nào. Chúng tôi đã mở 4 đợt cao điểm, tập trung xử lý những trường hợp xe đạp điện vi phạm. Kế hoạch 09 của Đoàn Thanh niên, phòng PC 67 tập trung xử lý thanh niên xử dụng xe đạp điện tham gia giao thông; kế hoạch 29 chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông. Thứ 3 là xây dựng kế hoạch 79, tập trung kiểm tra, xử lý thanh thiếu niên điều khiển các loại phương tiện quy định về trật tự an toàn giao thông. Thứ 4 là xây dựng kế hoạch 86, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Chúng tôi đã mở 4 đợt cao điểm xử lý trong thời gian vừa qua và đã có những tác động tích cực, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ huynh chở con em đến trường đã chấp hành quy định đội mũ cho trẻ em khi tham gia giao thông…

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị buộc thôi học
Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị buộc thôi học

Nếu học sinh tái phạm không đội mũ bảo hiểm nhiều lần sẽ bị buộc thôi học 1 năm.

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị buộc thôi học

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị buộc thôi học

Nếu học sinh tái phạm không đội mũ bảo hiểm nhiều lần sẽ bị buộc thôi học 1 năm.

Phạt người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm
Phạt người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Ngoài ra sẽ xử lý các trường hợp đi vào đường cấm, đường ngược chiều; đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai...

Phạt người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Phạt người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Ngoài ra sẽ xử lý các trường hợp đi vào đường cấm, đường ngược chiều; đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai...