Nếu không có Cách mạng Tháng 8

(VOV) - Nếu không có Cách mạng Tháng 8 thì sẽ không có một Trần Lâm xây nền đắp móng, dựng nghiệp phát thanh truyền hình.

Năm 1944, ông Trần Lâm đang theo học trường Luật. Vừa học, vừa dạy thêm ở trường Gia Long, kiếm thêm tiền trang trải ăn học.

Có lần ông kể cho tôi nghe, vì sao ông học Luật mà không học trường Thuốc hay Canh nông.

Ông nói: “Tôi nghĩ muốn thoát khỏi ách nô lệ thì phải vùng lên đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến. Thanh niên trí thức phải nắm chắc luật pháp mới có thể đứng ra giúp nước. Vì vậy mà tôi xin vào học trường Luật”.

Lúc này ông hăng hái tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố - Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm chủ tịch.

 

 Cố nhà báo lão thành Trần Lâm

Ở đây chàng sinh viên Trần Lâm đã nhận ra một điều mới mẻ: Truyền bá quốc ngữ là yêu nước, thương nòi, quý dân. Quý trọng ngôn ngữ là quý trọng tinh hoa của dân tộc. Người Pháp hay người Việt đều cho rằng, tôn trọng tiếng nói, chữ viết của dân tộc là thể hiện cốt cách người yêu nước. Thế nhưng, dưới con mắt của mật thám Pháp và việt gian thì truyền bá Quốc ngữ là có tội, là chống lại chính phủ đô hộ.

Sau khi đảo chính Pháp, Nhật gom sinh viên trường Luật, bắt học thêm khóa đào tạo cấp tốc 2 tháng để làm quan tri huyện cho Nhật. Tình thế bắt buộc sinh viên Trần Lâm và bè bạn đứng trước sự lựa chọn. Học tiếp hay hoạt động đoàn thể.

Nhìn rộng ra, trí thức thời bấy giờ đứng trước ngã ba đường. Ông Trần Lâm tâm sự: “Học luật ra để làm quan. Thời nào cũng vậy, không biết luật mà làm quan thì có khác nào một mình đi giữa rừng rậm. Nhưng làm quan cho Nhật hay Pháp thì cũng thế thôi, đều là thân phận bù nhìn cả”.

Trần Lâm và bạn bè cùng trang lứa đã chọn lối đi: Tẩy chay khóa đào tạo khẩn cấp của Nhật, hăng hái tham gia đội tuyên truyền xung phong nội thành Hà Nội, một tổ chức của Đảng Dân chủ Việt Nam, thành viên Mặt trận Việt Minh.

Hoạt động của thanh niên xung phong rất phong phú, riêng chàng thanh niên Trần Lâm thì khoái nhất là đột nhập vào nhà hát, hay rạp xi nê, cướp diễn đàn, lên diễn thuyết vài ba phút rồi căng khẩu hiệu, rải truyền đơn và nhanh chóng thoát ra cửa sau.

Những hoạt động này như cuộc tập dượt cho cuộc mít tinh, tuần hành ngày 17/8/1945 trước quảng trường Nhà hát lớn, Hà Nội.

Ông Trần Lâm và tổ thanh niên xung phong đã treo cờ đỏ sao vàng, dành micrô, diễn thuyết, biến cuộc biểu tình của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thành biểu tình, tuần hành ủng hộ Việt Minh. Đây là đêm trước hừng hực khí thế của quần chúng để ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội.

Nửa thế kỷ sau kể lại, ông Trần Lâm vẫn rất khí thế: “Tôi có cảm giác như quần chúng đang sôi lên, chờ một cuộc thay trời đổi đất. Chỉ cần một lời nói đúng, một hành động vì dân, vì nước, một chính sách hợp lòng dân là biển người sẽ hướng về phía ấy”.

Ông đã suy nghĩ đúng, hành động đúng và quan trọng là chọn đúng con đường mà một trí thức cần đi.

Nếu không có Việt Minh, nếu không có Cách mạng Tháng 8 thì sẽ không có một Trần Lâm xây nền đắp móng, dựng nghiệp phát thanh truyền hình, trở thành một trong những cây đại thụ của làng báo Việt Nam.

Thử thách đầu đời đã đưa chàng sinh viên Trần Lâm vào con đường cách mạng với nhiệm vụ trọng đại là thành lập Đài Phát thanh Quốc gia.

Gia sản đầu tiên là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có ngay đài phát thanh để phục vụ cách mạng. Về đối nội là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền với nhân dân.

Sóng đối ngoại có thể vượt qua biên giới quốc gia, không cần hộ chiếu để chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam, đập lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của chúng và nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Còn hình hài một đài phát thanh như thế nào thì cả ba ông: Trần Lâm, Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích được giao nhiệm vụ “đều mù tịch” như cách nói bỗ bã của ông Trần Lâm.

Tìm đọc tài liệu rồi các ông cũng nhận ra một đài phát thanh dù lớn hay nhỏ đều có ba bộ phận chính là biên tập, kỹ thuật truyền dẫn phát sóng và bá âm.

Đến hôm nay, không ai hiểu nổi, lúc đó chỉ có máy phát sóng phát thanh được cải tiến từ máy vô tuyến điện có công suất lớn nhất là 1kw. Bá âm là gian phòng nhỏ, cách âm bằng những tấm chăn Nam Định cũ, rách. Biên tập là những trí thức đủ mọi ngành nghề mà chưa ai biết đến báo phát thanh.

Trong lời tựa cho cuốn “Tiếng nói Việt Nam – cầu nối đảng với dân” nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết: “Sinh ra từ máu lửa cách mạng, lớn lên từ hai bàn tay trắng, Đài TNVN đã chiến đấu, xây dựng, trưởng thành cùng đất nước”.

Khó khăn, thiếu thốn và non trẻ là ba đầu vị trong mâm cỗ mừng ngày sinh của Đài Phát thanh Quốc gia đúng 11h30’ ngày 7/9/1945, như Tổng biên tập Trần Lâm thường nói vào mỗi dịp kỷ niệm.

Ông thường nhắc đến châm ngôn “cái khó không bó được cái khôn” và càng tâm đắc hơn là “từ trong cái khó ló cái khôn.” Mỗi lần nhắc lại là mỗi lần ông cười khà khà, sảng khoái và thả giọng “thế a mà” rất Trần Lâm, chỉ riêng của Trần Lâm.

Từ ngày đầu “dựng nghiệp phát thanh” cho đến ngày nghỉ hưu, nhà báo lão thành Trần Lâm có 43 năm làm Tổng biên tập Đài Phát thanh Quốc gia liên tục. Một chặng đường gian truân mà dành 30 năm cho chiến tranh vệ quốc ác liệt, 13 năm hòa bình, nhưng quằn quại, nghiệt ngã của thời bao cấp. Trong hoàn cảnh ấy, phương châm xử thế của ông đã thành câu nói đầu lưỡi là “khó khăn khắc phục” “làm phát thanh theo kiểu con nhà nghèo.”

Đầu năm 1946, khi nhân dân gồng mình chống giặc đói thì Đài có bài hướng dẫn cách làm rau muống khô để ngày đông tháng giá dự trữ, ăn dần.

Bà Dương Thị Ngân, con gái nhà giáo Dương Quảng Hàm, phát thanh viên đầu tiên của Đài chưa hiểu cách làm rau muống khô của bà con nông dân nên đọc có chút trúc trắc. Tổng biên tập Trần Lâm liền nhắc nhở: “Cô phải đọc cho thật thông suốt, rõ ràng, dễ hiểu để dân còn làm theo. Dân ta còn đói, còn thiếu lắm”.

14 lần di chuyển trong chiến khu Việt Bắc suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông luôn nhắc nhở phải bảo vệ từng cỗ máy, từng chi tiết, từng trang giấy. Đầu năm 1951, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, nhà thơ Tố Hữu được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, giữ chức Tổng giám đốc Nha thông tin, mà Đài TNVN là một bộ phận.

Nhà thơ đến thăm Đài, xúc động nói: “…Chúng ta đã đi vào một giai đoạn thật là cay cực. Làm thế nào để cố giữ máy móc và làm việc trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, thiếu thốn, mà địch thì có thể sục vào bất cứ lúc nào? Chúng ta đã giữ được và bài học lớn nhất là tinh thần bảo vệ máy móc… Trong những giờ phút nguy hiểm, dù là công nhân hay biên tập, không quản ai là người điều khiển máy móc hay biên soạn chương trình, mà tất cả cùng nghĩ cầm bút hay cầm búa đều phải đoàn kết để bảo vệ máy móc”.

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt, mặc dù được Liên Xô, Trung quốc, các nước khối SEP viện trợ không hoàn lại máy móc, phương tiện phát thanh hiện đại, nhưng Tổng biên tập Trần Lâm vẫn kêu gọi làm phát thanh theo kiểu con nhà nghèo.

Trong khi nhiều người, nhiều cơ quan sử dụng hàng viện trợ theo kiểu “CCCP”, nghĩa là “Các Chú Cứ Phá” thì người đứng đầu ngành phát thanh Việt Nam lại chủ trương “sử dụng thiết bị máy móc viện trợ một cách tằn tiện. Ông bảo tiết kiệm chứ không phải là hà tiện. Tằn tiện là chữ của con nhà nghèo, hay lắm, sáng lắm, có nghĩa là tiết kiệm đúng chỗ, đúng tiền của, hợp lý đến mức có thể. Nhờ vậy mà “từ 1954 đến 1970, Đài TNVN đã có một bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị vô cùng nặng nề và phức tạp”.

Khi Chính phủ giao cho Đài TNVN làm thử rồi làm thật truyền hình, Tổng biên tập Trần Lâm vẫn áp dụng phương châm làm theo kiểu con nhà nghèo, có nghĩa là không sợ khó, không ngại thiếu mà chỉ sợ lãng phí, sợ không biết làm ăn, không sáng tạo.

Ngày 2/1/1970, tại 58 Quán Sứ có cuộc họp quan trọng của Ban lãnh đạo Đài. Tổng biên tập Trần Lâm thông báo Chính phủ không có ngoại tệ mua thiết bị, không có thêm biên chế, không thêm kinh phí, không có chuyên gia, không có trụ sở riêng để Ban truyền hình của Đài TNVN làm việc.

Năm cái không, chỉ một cái có là quyết tâm làm cho bằng được truyền hình. Cái khó dồn vào việc làm sao để có máy ghi hình mà cốt lõi là phải có hai ống điện tử.

Tổng biên tập Trần Lâm nhận nhiệm vụ khó khăn này. Ông đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Liên Xô nhờ giúp đỡ và mấy tháng sau nhận được thiết bị như mong muốn. Ông Trần Lâm kể lại: “Thế là anh chị em làm được hai camera tự tạo, đặt tên là NT1 và NT2. (NT là ngựa trời, tên một loại súng lớn do quân Giải phóng tự tạo ở chiến trường miền Nam, từng làm cho quân địch khiếp sợ”.

Trong một lần nữ tướng Nguyễn Thị Định - Phó tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam đến thăm Đài TNVN, nhà báo Trần Lâm đã tự hào giới thiệu camera “ngựa trời.”

Bà Nguyễn Thị Định cười vui: “Ở tiền tuyến hay hậu phương của nước ta đều giống nhau, có khó khăn, thiếu thốn là có sáng tạo.”

Trong con người bình dị của nhà báo lão thành Trần Lâm có cái dung dị của cuộc sống đời thường đi liền với phương châm xử thế “khó khăn khắc phục”, đi liền với việc làm sáng tạo. Như ông thường nói đừng bao giờ đẩy mình vào cuối đường hầm không ánh sáng.

Chắc ai đã từng làm việc ở Đài TNVN trong những năm bao cấp nghiệt ngã hẳn nhớ, trong phòng họp giao ban Bộ biên tập có chén uống trà mà không có đĩa.

Để giữ cho bàn vừa sạch, vừa bền, ông Trần Lâm gợi ý cho văn phòng cắt giấy báo thành hình tròn thay đĩa. Tiết kiệm đã thành nếp sống trong ông và lan tỏa sang người khác. Không phải trong thời gian khó, nhà báo Trần Lâm mới tiết kiệm, mà khi Đài Quốc gia đã khang trang, ông vẫn kiên quyết chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Vì trong ông thường trực suy nghĩ: Nước ta còn nghèo, dân ta còn thiếu thốn, khó khăn nên phải biết và làm theo kiểu con nhà nghèo. Ông còn nói thêm: Nghèo nhưng không hèn.

Khi đã nghỉ hưu ông vẫn làm cộng tác viên nhiệt thành nghe đài, nhận xét, gợi ý để chương trình của Đài Quốc gia nói đúng, nói trúng, nói hay. Tôi để ý ông thường viết nhận xét trên giấy tận dụng như mặt sau bản tin thông tấn, hay những trang giấy còn một mặt sạch. Những chi tiết nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày đan xen những ý tưởng lớn, những quyết sách cho Đài Phát thanh Quốc gia phát triển mọi mặt càng sáng thêm gương mặt Trần Lâm, nhà báo lão thành, một cây đại thụ giữa thời gian khó.

Đến bây giờ tôi mới hiểu phần nào, vì sao khi kể lại chuyện Bác Hồ đến thăm Trung tâm Âm thanh của Đài TNVN vào tháng 11/1960, ông nhắc đi nhắc lại là phải ghi sâu lời Bác dạy: “Đất nước ta còn nghèo, chúng ta phải phát huy sáng kiến, khắc phục mọi khó khăn với tinh thần tự lực tự cường. Phải làm việc theo kiểu con nhà nghèo chứ đừng đòi hỏi nhiều ở Nhà nước…”/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên