Ngăn chặn dịch lở mồm long móng

Các địa phương đã tập trung phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Tại Phú Yên, UBND tỉnh vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) cho tỉnh sử dụng gần 67.000 liều vaccine đa tuýp và 1.100 liều vaccine tuýp O còn tồn từ Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng (LMLM) để tiêm phòng cho gia súc đang bị dịch.

Đàn bò của một hộ gia đình ở xã An Trung, An Lão (Bình Định) bị bệnh LMLM (ảnh N.Hân)

** Tính đến hết tháng 2 năm 2011, dịch lở mồm long móng đã tái bùng phát trên diện rộng ở tỉnh Quảng Nam. Số gia súc bị mắc bệnh lên đến gần 1.000 con. Ngành Thú y Quảng Nam đã cấp phát hàng chục ngàn liều vaccine và hàng trăm ngàn lít hóa chất phục vụ công tác tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, công tác kiềm chế dịch bùng phát vẫn ngoài tầm kiểm soát do Quảng Nam là tỉnh có đường quốc lộ dài, số lượng gia súc vận chuyển qua đây rất nhiều, lực lượng thú y mỏng. Vì thế gia súc bị dịch hoặc trong vùng bị dịch vẫn lén lút đựơc tuồn ra ngoài, gây nguy cơ lây lan là điều không tránh khỏi.

Sở NN và PTNT tỉnh Điện Biên cho biết: dịch LMLM xuất hiện trên địa bàn từ cuối tháng 1/2011. Đến nay hơn 90% số gia súc bị dịch LMLM đã khỏi triệu chứng lâm sàng.

** Từ trước Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh Bình Định đã xuất hiện tình hình dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Hiện nay, lực lượng thú y tỉnh đang triển khai công tác tiêm phòng và các biện pháp khống chế dịch bảo vệ an toàn cho đàn gia súc…

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay dịch LMLM trên đàn trâu bò đã xảy ra tại 93 thôn của 48 xã thuộc 8 huyện với tổng đàn bị mắc bệnh là 2.046 con. Các huyện có trâu bò mắc bệnh nhiều Hoài Nhơn, An Lão, Vân Canh. Hiện nay, các ngành chức năng và hộ chăn nuôi đã chữa trị khỏi triệu chứng 1.896 con, xử lý tiêu hủy 14 con; đang chăm sóc chữa trị triệu chứng 136 con. Đối với heo, bệnh LMLM xảy ra chủ yếu là heo nái đang nuôi con và heo con theo mẹ, với tổng số heo mắc bệnh là 672 con. Đã xử lý tiêu hủy 276 con, hiện đang chăm sóc theo dõi chữa trị triệu chứng là 137 con.

Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp, từ ngày 23/2, Chi cục Thú y tỉnh Bình Định đã đồng loạt ra quân triển khai công tác tiêm phòng vaccine LMLM đợt 1/2011 cho đàn trâu bò trên địa bàn toàn tỉnh, và xem đây là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả nhất.

Dù qua hơn nửa tháng công bố dịch bệnh và triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch nhưng bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn lây lan ra diện rộng. Đến nay, toàn tỉnh phát hiện ở 74 xã của 8 trong 10 huyện, thành, thị có gia súc mắc bệnh LMLM. Gần 4.000 con lợn và bò nhiễm bệnh nặng được thiêu hủy.

Để đối phó với dịch bệnh đang bùng phát, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống, tổ chức các lực lượng thanh kiểm tra tình hình vận chuyển,kinh doanh, giết mổ động vật. Chi cục Thú y cấp hơn 114.000 liều vaccine giúp hộ nuôi tiêm phòng cho đàn gia súc.

Phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại hạn chế dịch LMLM lây lan ở xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) - ảnh N.Hân

Tuy nhiên, ý thức người dân trong công tác phòng chống bệnh LMLM trên gia súc tại địa phương chưa cao. Tại các lò giết mổ gia súc còn phát hiện tình trạng giết mổ heo bệnh. Các chốt kiểm dịch động vật phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển gia súc bệnh hay không rõ nguồn gốc ra vào địa bàn; trong khi đó công tác xử lý các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực này của ngành chức năng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng cố tình vi phạm.

** Để khống chế, tiến tới dập tắt các dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với chính quyền các địa phương có dịch tập trung cán bộ kỹ thuật, phương tiện nhanh chóng bao vây dập dịch; thành lập các chốt kiểm dịch tại các thôn, bản có dịch; tiêu hủy số gia súc bị mắc bệnh theo quy định, tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm và đặc biệt là vận động người dân không sử dụng, vận chuyển gia súc, gia cầm bị mắc bệnh.

** Theo Chi cục Thú y Vĩnh Phúc, sau gần 2 tuần công bố dịch, đến nay tỉnh đã khống chế được dịch cúm gia cầm (H5N1), không để lây lan ra các địa bàn xung quanh. Chi Cục Thú y Vĩnh Phúc khoanh vùng, tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc các khu vực xảy ra dịch bệnh, nơi buôn bán gia cầm; đồng thời cấp phát hơn 1 triệu liều vaccine tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm.

** Cùng với thiệt hại do giá rét gây ra, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có trên 2 .200 con gia súc mắc bệnh LMLM và tụ huyết trùng.

Dịch bệnh đã lan ra 4/7 huyện, thị xã là: Sìn Hồ, Than Uyên; Tân Uyên và Tam Đường. Trước tình hình thời tiết bất thường và dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh, các đơn vị chức năng đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc. Đã cung ứng 1.780 lọ thuốc Derma – Sparay và thuốc Hanoxylin điều trị bệnh LMLM và nhiều loại thuốc khác. Bên cạnh đó, cán bộ thú y đã xuống cơ sở hướng dẫn cho nhân dân cách điều trị triệu chứng khi gia súc mắc bệnh, tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi xảy ra.

Đến nay, trong số gia súc mắc bệnh có hơn 200 con đã chết, điều trị và chữa khỏi 1.200 con; 835 con đang được điều trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên