Ngăn dịch Covid 19 trong khu công nghiệp: Công nhân phải "3 cùng"
VOV.VN - Mô hình tổ chức “3 cùng” cho công nhân là cùng ăn, ở và làm việc tại doanh nghiệp đã triển khai rất thành công tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua.
Với tinh thần "Vừa chống dịch, vừa sản xuất", “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các tỉnh thành phố nhanh chóng ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, tạo thuận lợi tối đa để các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy và cơ sở sản xuất... tiếp tục hoạt động.
Mô hình tổ chức “3 cùng” cho công nhân là cùng ăn, ở và làm việc tại doanh nghiệp đã triển khai rất thành công tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua. Các địa phương đang và sắp áp dụng mô hình này cần lưu ý những gì?
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu về kinh nghiệm kiểm soát dịch tại địa phương này.
PV: Theo nhìn nhận của ông thì tình hình dịch Covid 19 tại các tỉnh thành phía Nam lúc này có gì giống và khác với diễn biến tại Bắc Giang cách đây không lâu?
Ông Đào Xuân Cường: Theo tôi, các tỉnh miền Nam bây giờ đang có dịch Covid-19 có nhiều điểm tương tự như Bắc Giang là tiến triển rất nhanh với phạm vi, địa bàn, số lượng người khá lớn so với đợt dịch trước.
PV: Theo kinh nghiệm đã triển khai tại Bắc Giang, theo ông, để triển khai mô hình lưu trú cho công nhân cùng ăn, ở và làm việc tại nhà máy thì các địa phương cần lưu ý những gì?
Ông Đào Xuân Cường: Để phòng chống dịch thời gian vừa rồi cũng như sau này thì khu lưu trú tổ chức cho DN bố trí nơi ăn ở cho công nhân. Còn nhà trọ thì cũng cố gắng sắp xếp để làm sao người lao động 1 công ty ở nhà trọ, chứ không để công nhân làm nhiều công ty ở chung 1 xóm trọ sẽ nguy cơ lây chéo.
Xe đưa đón công nhân cũng phải kiểm soát thật chặt chẽ, khuyến khích và hỗ trợ để những DN lớn nhiều lao động tự tổ chức xe đưa đón công nhân của mình cho đảm bảo. Ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch trong quá trình vận hành xe và những người ngồi trong xe đó.
Thứ 3 là khu ăn uống thì bố trí định vị, quy định rõ ai ăn ở đâu thì chỉ được ăn ở đấy và làm cùng nhau thì phải ở cùng nhau và ăn cùng nhau, được nữa là đi xe đưa đón công nhân cùng nhau. Làm như thế thì khi có rủi ro xảy ra, việc truy vết, khoanh vùng rất thuận tiện và gọn, nhỏ, triệt để.
PV: Cùng với việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid -19 cho người lao động để đảm bảo tấm lá chắn bền vững, hẳn là ý thức của mỗi doanh nghiệp, người lao động trong khu vực này cũng cần nâng cao hơn?
Ông Đào Xuân Cường: Trong nhà máy yêu cầu người lao động chấp hành nghiêm 5K + vaccine + công nghệ giám sát. Doanh nghiệp cũng phải luôn có phương án phòng chống dịch an toàn trong nhà máy. Doanh nghiệp phải bố trí có 1 phòng giành cho những người nghi nhiễm, cách ly ngay khi có nghi ngờ.
Và một không gian nữa để đón người lao động trở lại trước khi làm việc, đều phải đưa vào nhà đệm ấy để tổ chức xét nghiệm theo dõi, tùy theo tình hình dịch có thể 3 đến 7 ngày. Xét nghiệm có thể từ 1 lần đến 3 lần tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như người lao động ấy đến từ đâu để đảm bảo tầm soát tốt nhất trước khi đưa vào nhà xưởng sản xuất. Việc xét nghiệm với người lao động trước khi trở lại nhà máy thì Bắc Giang triển khai người lao động ở đâu thì triển khai xét nghiệm tại đấy. Ở xã thì tổ chức xét nghiệm tại trạm y tế xã, đảm bảo âm tính an toàn thì doanh nghiệp mới đón lại vào nhà máy, vào khu công nghiệp. Đấy là những biện pháp cơ bản Bắc Giang vẫn đang triển khai.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.