Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể phát triển nhanh
VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển, có thể phát triển nhanh.
Sáng 26/11, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề: “Công nghiệp văn hóa, Du lịch và Phát triển địa phương”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì diễn đàn. Đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, các chuyên gia, các nhà khoa học và lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch của hơn 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự.
Trình bày tham luận, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch; Mối quan hệ của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển địa phương và Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch đối với sự phát triển của địa phương.
Về giải pháp phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch đối với sự phát triển địa phương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất 5 giải pháp lớn để phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch; phát triển du lịch trong mối liên kết với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, lấy người dân địa phương làm chủ thể chính để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương. Bởi người dân địa phương là người tạo ra, kế thừa và phát huy vốn văn hóa của địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, địa phương cần tăng cường tính liên kết giữa các ngành, các vùng nhắm tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hóa các ngành công nghiệp văn hóa địa phương; tăng cường sự phối hợp, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo giữa các bộ ngành địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam là động lực quan trọng góp phần hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; thể hiện là một ngành công nghiệp văn hoá và hệ sinh thái văn hoá, tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân, sự tích hợp về đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Phát triển lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hoá nguồn tài nguyên mềm văn hoá thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa sức mạnh mềm, di sản và đặc trưng văn hoá của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển, có thể phát triển nhanh, nhất là khi nước ta đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, gia tăng tầng lớp trung lưu, tạo ra nhu cầu thị trường lớn đối với các sản phẩm văn hóa, giải trí và du lịch.
Tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tại các địa phương trong cả nước là hết sức to lớn, nhất là khi phát triển công nghiệp văn hoá gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ kết nối; và càng trở nên to lớn hơn khi sự phát triển này đã và đang được dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết; dư địa về mặt cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí chưa có; sự phát triển vẫn chậm, chưa đều, chưa thật sự bền vững và đồng bộ tại các địa phương. Có một thực tế là, một số tỉnh có những di sản văn hoá - thiên nhiên quý giá, những di tích lịch sử cách mạng vẫn là những tỉnh nghèo trong cả nước.
Từ thực tiễn phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá và du lịch của các địa phương, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các ngành, địa phương cần xử lý hài hoà mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa.
Các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá rất đa dạng, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực chủ chốt, có thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Đảng đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thảo luận và đi đến thống nhất cần xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá. Trong giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng đưa du lịch, trong đó có du lịch văn hoá, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Diễn đàn phát triển địa phương 2022, các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung thảo luận về giải phát phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch gắn với phát triển địa phương. Đây là diễn đàn thường niên, là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045./.