Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển
VOV.VN - Sau lễ phát động, Bộ trưởng Y tế đã đi thăm, tặng 300 tủ thuốc trên tàu cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn.
Sáng 31/5, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia về y tế biển đảo và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức phát động chương trình “Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển”. Một trong những hoạt động thiết thực là Công ty Dược và Trang thiết bị y tế quân đội tặng 300 tủ thuốc phục vụ cấp cứu ban đầu cho ngư dân có tàu đánh bắt cá xa bờ.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, thời gian qua, tình hình biển Đông diễn biến hết sức căng thẳng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cùng với nhân dân cả nước, cán bộ, công nhân viên ngành y tế đã thể hiện tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước đúng mực, phù hợp, bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Nhận thức sâu sắc rằng, Biển Đông cũng là ngư trường của ngư dân Việt Nam. Ngư dân còn thì biển còn. Ngư dân khỏe thì sẽ tiếp tục bám biển, tiếp thêm lực lượng, sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế tích cực hưởng ứng tinh thần “Hướng về Biển Đông”, góp phần cùng các lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Bộ Y tế tổ chức chương trình “Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển”, kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp ngành Y tế và các tổ chức, cá nhân trong xã hội đóng góp kinh phí để trang bị tủ thuốc ý tế chuyên dụng cho các tàu đánh bắt cá của ngư dân. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sơ cứu ban đầu do tai nạn, thương tích cho ngư dân; tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển đảo và ngư dân bám biển”.
Việc phát động chương trình “Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển” là cụ thể hóa thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, y tế biển đảo nói chung, lĩnh vực y tế tại huyện đảo Lý Sơn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Hơn 30% số trung tâm y tế thuộc các huyện đảo của nước ta chưa có cơ sở riêng; 1/3 số trạm y tế cần xây mới; hơn một nửa số trạm y tế xã đảo không có bác sĩ và chưa thực hiện được nhiều kĩ thuật y tế do chưa được hòa điện lưới quốc gia. Y tế biển đảo hiện tại chủ yếu do lực lượng Quân y đảm nhiệm, các tuyến còn lại do lực lượng quân dân y kết hợp nhưng lực lượng mỏng, chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp, trang thiết bị và thuốc thiết yếu còn hạn chế.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi - Phạm Trường Thọ cho rằng, Chương trình “ngành Y tế cùng ngư dân bám biển” đã kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng có điều kiện và niềm tin vươn ra khơi xa, đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta.
“Ngư dân Quảng Ngãi tự hào và kế tục truyền thống các đội hùng binh của Lý Sơn năm xưa tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống từ nhiều đời nay tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể khẳng định, ngư dân Quảng Ngãi với truyền thống yêu nước nồng nàn, thông minh cần cù dũng cảm với niềm tin và nghị lực phi thường, họ quyết không sợ, luôn đạp sóng, vươn khơi, bám biển mưu sinh đồng thời để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Thọ nhấn mạnh
Ngay sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đi thăm và tặng 300 tủ thuốc và dụng cụ y tế phục vụ cấp cứu ban đầu cho ngư dân có tàu đánh bắt cá xa bờ; thăm lớp tập huấn hướng dẫn sơ cứu ban đầu do tai nạn, thương tích cho ngư dân; thăm và tặng 500 suất quà cho những người dân tham gia chương trình khám và mổ mắt miễn phí tại huyện đảo Lý Sơn.
Anh Lê Thạnh ở xã An Hải - một trong những ngư dân được tặng tủ thuốc và tham gia lớp tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho biết: “Ngư dân chúng tôi rất vui mừng trước sự quan tâm của Nhà nước. Chúng tôi được tham gia lớp tập huấn để xử lí các sự cố tai nạn trên tàu. Chúng tôi được tập huấn các biện pháp cấp cứu, hô hấp nhân tạo, băng bó khi gãy xương, cầm máu khi chảy máu, để sau này kịp thời xử lí khi gặp những tai nạn trên biển”./.