Ngày gia đình: Ngoại tình là do đâu?

VOV.VN -Ông Hoa Hữu Vân: Ngoại tình hay không nằm sâu trong sâu thẳm mỗi con người, không phải do áp lực nào cả.

Theo ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong cuộc sống đương đại, chúng ta có thêm những mô hình gia đình phi truyền thống. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của gia đình trong mọi thời đại, đặc biệt trong tương lai, vẫn là giá trị yêu thương, tôn trọng, bình đẳng, chia sẻ.

Chức năng thỏa mãn tâm lý tình cảm sẽ trở thành chức năng nổi trội của gia đình; vượt trên cả những chức năng khác như sinh đẻ, tái sản con người, kinh tế và giáo dục xã hội hóa con trẻ.

Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6), phóng viên trao đổi với ông Hoa Hữu Vân về những giá trị của gia đình Việt.

Ông Hoa Hữu Vân 
Thời gian dành cho nhau ít đi, đó là điều đáng tiếc

PV: Theo ông, đâu là giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam trong cuộc sống đương đại hiện nay?

Ông Hoa Hữu Vân: Giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam đó là yêu thương, chia sẻ, kính trên nhường dưới; tình nghĩa, thủy chung; biết ơn tiên tổ; anh em hòa thuận. Những giá trị này đến nay vẫn được xã hội trân trọng và thực hành trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của công nghiệp hóa và quá trình hội nhập, một số giá trị bị mai một, chứ không phải đổ vỡ như một số người nghĩ.

Nguyên nhân do trong nhịp sống ngày nay, cơ hội để mọi người tăng thu nhập, có việc làm nhiều hơn, cho nên thời gian các thành viên dành cho nhau ngày càng trở nên eo hẹp hơn, người lớn ít dành thời gian cho trẻ con hơn. Đấy là điều rất đáng tiếc của gia đình Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, mối quan hệ trong gia đình bị tác động và dường như bị lỏng lẻo đi, cho nên thời gian ở bên nhau, chăm sóc nhau cũng ít đi.

Trong cuộc sống đương đại, chúng ta có thêm những mô hình gia đình phi truyền thống. Song, dù gia đình truyền thống hay phi truyền thống, thì giá trị cốt lõi của gia đình trong mọi thời đại, đặc biệt trong tương lai, vẫn là giá trị yêu thương, tôn trọng, bình đẳng, chia sẻ.

Mỗi thành viên trong gia đình cần dành nhiều thời gian ở bên nhau hơn (Ảnh minh họa)

Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm là vốn có của bất kỳ một loại hình gia đình nào. Như các cụ nói “lấy nhau vì tình, sống được với nhau vì nghĩa”, thì thấy rõ ràng yêu thương, biết tôn trọng, san sẻ với nhau là chất kết dính làm cho gia đình tồn tại.

PV: Thưa ông, vậy làm thế nào để cân đối giữa việc đi kiếm tiền và dành thời gian gần gũi gia đình?

Ông Hoa Hữu Vân: Rõ ràng áp lực giữa việc kiếm tiền tăng thu nhập với hài hòa các mối quan hệ trong gia đình, dành thời gian cho nhau cần phải tính đến rất lâu dài. Ở nước ta, những chính sách xã hội chưa được đề cập một cách toàn diện. Tôi được biết ở một số nước, nếu như gia đình có người cao tuổi mà con cái mua nhà ở gần cha mẹ thì sẽ được hưởng chính sách giảm giá nào đó.

Đối với gia đình Việt, theo tôi, mỗi thành viên trong gia đình cần tự cân đối và hãy giảm bớt những áp lực quá coi trọng việc phải kiếm tiền, mà sau lưng là khoảng trống về mặt thời gian dành cho nhau. Trước hết, trong mỗi gia đình phải có cách nhìn nhận vấn đề này rõ ràng hơn.

PV: Ngoài những giá trị truyền thống, nhiều chuyên gia cho rằng đang xuất hiện những giá trị mới, như tôn trọng riêng tư, đề cao giá trị cá nhân?

Ông Hoa Hữu Vân: Ở đây phải hiểu như thế nào là giá trị cá nhân. Giữa giá trị cá nhân và ích kỷ cá nhân là hai khái niệm khác nhau. Giá trị cá nhân phải được đề cao và mỗi người phải tự khẳng định giá trị cá nhân của mình. Nhưng khẳng định bằng lối sống ích kỷ, thu hẹp mình lại, chỉ biết mình, không cần biết đến các thành viên trong gia đình thì đó là câu chuyện rất khác.

Giáo dục gia đình hiện nay đang có vấn đề. Chẳng hạn như tiêu chí của một đứa con ngoan mà nhiều gia đình đang hướng tới lại không đồng nhất với nhau. Nếu như trong truyền thống, đứa con ngoan trước hết phải biết cư xử, kính trên nhường dưới, thưa gửi, xin phép như thế nào, chăm lo đến các thành viên khác ra sao.

Ngày nay, tiêu chí của đứa con ngoan, đặc biệt trong các gia đình trẻ lại rất khác. Đó là đứa con phải luôn luôn mang điểm 10 về cho gia đình. Thậm chí, có đứa trẻ ở lớp về nhà, người lớn chào trẻ con trước mà không nghĩ đến việc uốn nắn cho trẻ từ tấm bé phải biết chào người lớn. Do đó, giá trị cá nhân và tự do cá nhân cũng phải nằm trong khuôn khổ của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình.


Giáo dục gia đình vẫn là nền tảng

PV: Việc hoạch định chính sách trong tương lai có thay đổi cho thích ứng với cuộc sống của gia đình đương đại không, thưa ông?

Ông Hoa Hữu Vân: Chính sách trong tương lai tập trung cho giáo dục gia đình. Chúng tôi có định hướng rất lớn, đó là xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đây là chủ đề xuyên suốt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ở đây chúng tôi nhấn mạnh: Bắt đầu giáo dục từ trong gia đình. Kể cả khi con người đã trưởng thành, thì giáo dục gia đình và tác động của nó vẫn có giá trị. Quý 4 năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ ban hành Đề án quốc gia giáo dục đời sống gia đình.

Trong năm 2015, chúng ta sẽ tiến hành sơ kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 49 về Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này có thể nói về mặt nhận thức của các cấp, các ngành đã có sự thay đổi rất đáng kể về vai trò của gia đình và công tác gia đình. Đặc biệt, Ngày gia đình Việt Nam 28/6 đã dần trở thành nếp trong sinh hoạt đời sống văn hóa của người Việt Nam. 

Ngoại tình không do áp lực nào cả

PV: Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), thì ngoại tình là một trong những vấn đề lớn nhất của gia đình Việt Nam hiện nay. Theo ông, có phải những người ngoại tình do chịu áp lực từ định kiến về giá trị của gia đình truyền thống?

Ông Hoa Hữu Vân: Theo tôi, ngoại tình hay không nằm sâu trong sâu thẳm mỗi con người, không phải do áp lực nào cả. Nếu cứ nói do áp lực cuộc sống hay do định kiến để người ta ngoại tình thì đó là cách tiếp cận mang tính không chính thống. Bản thân sự định kiến về giá trị của gia đình truyền thông không dẫn đến tình trạng ngoại tình.

Còn tại sao họ phải giữ “vỏ bọc”? Nguyên nhân do gia đình đó không tìm được tiếng nói chung, sự yên ấm, sự đồng cảm, chia sẻ hay gần gũi chứ không phải do định kiến nào cả. Còn nếu xuất phát từ sự khủng hoảng thì phải đánh giá trên một sự phổ quát lớn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xã hội hiện đại xuất hiện những giá trị gia đình mới
Xã hội hiện đại xuất hiện những giá trị gia đình mới

VOV.VN -Bên cạnh tình yêu thương là một giá trị phổ quát thì tự do cá nhân, sự riêng tư, sự trung thực đã là những giá trị mới của gia đình.

Xã hội hiện đại xuất hiện những giá trị gia đình mới

Xã hội hiện đại xuất hiện những giá trị gia đình mới

VOV.VN -Bên cạnh tình yêu thương là một giá trị phổ quát thì tự do cá nhân, sự riêng tư, sự trung thực đã là những giá trị mới của gia đình.

Gia đình đồng tính: Chuyện vẫn còn lạ ở Việt Nam
Gia đình đồng tính: Chuyện vẫn còn lạ ở Việt Nam

VOV.VN - Khảo sát cho thấy người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam gặp áp lực cao trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân gia đình.

Gia đình đồng tính: Chuyện vẫn còn lạ ở Việt Nam

Gia đình đồng tính: Chuyện vẫn còn lạ ở Việt Nam

VOV.VN - Khảo sát cho thấy người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam gặp áp lực cao trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân gia đình.

Vun đắp hạnh phúc từ bữa cơm gia đình
Vun đắp hạnh phúc từ bữa cơm gia đình

VOV.VN -Với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình.

Vun đắp hạnh phúc từ bữa cơm gia đình

Vun đắp hạnh phúc từ bữa cơm gia đình

VOV.VN -Với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình.

Nghịch lý gia đình thời hiện đại
Nghịch lý gia đình thời hiện đại

VOV.VN -Có một nghịch lý trong một số gia đình, đó là càng dư dả về kinh tế thì càng ít thời gian dành cho nhau.

Nghịch lý gia đình thời hiện đại

Nghịch lý gia đình thời hiện đại

VOV.VN -Có một nghịch lý trong một số gia đình, đó là càng dư dả về kinh tế thì càng ít thời gian dành cho nhau.