Ngày Xuân đi chợ trâu Cán Cấu

Người Mông có khi chỉ mang trâu đến đây để “góp vui”, còn chưa hẳn là họ muốn bán con vật đã gắn bó với việc nhà nông của gia đình…

Chợ phiên Cán Cấu là một trong những chợ vùng cao nổi tiếng ở Lào Cai, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tại phiên chợ này, ngoài các mặt hàng truyền thống như vải vóc, nông sản hay các món ẩm thực truyền thống của đồng bào Mông thì ở đây còn có một điều đặc biệt đó là chợ trâu.

Đây chính là điểm nổi bật thu hút sự chú ý của du khách đến với chợ phiên Cán Cấu, cũng như khi đến với huyện vùng cao Si Ma Cai. Ngày mồng 6 Tết, đúng phiên chợ đặc biệt này.

Từ lâu, chợ phiên Cán Cấu đã trở thành điểm hội tụ văn hóa của người Mông ở khu vực. Nói là chợ của người Mông bởi ở xã Cán Cấu này 100% là người Mông sinh sống. Họ về đây và mang theo những sản phẩm nông sản của mình làm ra, cũng như nhiều mặt hàng khác gần gũi với cuộc sống của họ để trao đổi, mua bán.

Rộn ràng mua bán trâu tại chợ (Ảnh: Báo Lào Cai)

Chợ phiên Cán Cấu được họp vào thứ Bảy hàng tuần. Để đến được phiên chợ này, bà con nhân dân ở xa phải đi từ rất sớm mới có thể kịp tham gia vào thời điểm đông vui nhất của chợ. Thường thì chợ đông nhất là vào khoảng gần trưa.

Không chỉ có bà con ở đây đi chợ, mà hiện nay, đã có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu bản sắc văn hóa. Có lẽ điểm thu hút du khách đến đây nhất vẫn phải nói đến chợ trâu. Cứ đến phiên chợ là họ lại dắt trâu, bò đến chợ để trao đổi, mua bán. Cũng có khi họ chỉ mang gia súc đến đây để góp mặt, còn chưa hẳn là họ muốn bán con vật đã gắn bó với việc nhà nông của gia đình họ. Các con vật này được trao đổi, mua bán thực sự khi họ cần và có lợi cho kinh tế gia đình.

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa PV với người đi chợ:

- Xin chào anh, anh đến chợ lâu chưa?

- Tôi đến lâu rồi

- Anh tên là gì?

- Tôi tên là Giàng Tả Vản

- Anh đến đây để mua trâu hay bán trâu vậy?

-  Tôi vừa bán trâu rồi

- Anh bán con trâu bao nhiêu tiền đấy ạ?

- Bán được 13 triệu

- Thế bây giờ nhà anh còn nhiều trâu không

- Nhà còn 5 con nữa

- Anh có định bán nốt không?

- Tuần sau lại bán tiếp, sáng nay bán 2 con rồi

-Thế vừa nãy anh bán trâu cho ai đấy?

- Bán trâu cho mấy em ở dưới xuôi lên đấy

- À dưới xuôi lên à. Xin cảm ơn anh nhé.

Dắt trâu xuống chợ (Ảnh: Báo Lào Cai)

Chợ phiên Cán Cấu ở Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai đã được nói đến khá nhiều. Tuy nhiên, qua cuộc trò chuyện vừa rồi chúng ta cũng có thể hiểu thêm phần nào về nét đặc trưng của chợ phiên vùng cao. Điều này cũng được nhiều khách du lịch nước ngoài cảm nhận.

Ông Béc-Na đến từ Pháp cho biết: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm ở miền Bắc Việt Nam, tôi rất thích nơi này và luôn luôn muốn đến và tìm hiểu cuộc sống ở đây. Chắc chắn tôi sẽ còn giới thiệu cho những người bạn của mình về nơi này. Tôi thích nét văn hóa của các nước như Lào, Campuchia nhưng đặc biệt nhất vẫn là Việt Nam, vì ở đây còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống mà nhiều nơi không có được”.

Chợ Cán Cấu là chợ phiên chuyên mua bán trâu, bò lớn nhất vùng biên giới phía Bắc của nước ta cả về quy mô lẫn số lượng. Chợ trâu Cán Cấu được hình thành cách đây đã hàng chục năm, nhưng đến nay vẫn giữ được những nét giản dị, hoang sơ và đặc trưng của đồng bào Mông.

Nếu như ở các phiên chợ khác, việc mua bán trâu, bò chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, thì ở chợ Cán Cấu không chỉ nam giới mà nữ giới cũng tham gia. Mọi quá trình mặc cả, ra giá giữa người mua người bán đều dựa trên cảm nhận trực quan là chính.

Chợ Cán Cấu nổi tiếng nên thu hút cả những thương lái dưới xuôi lặn lội lên đây mua trâu đưa về đồng bằng. Mỗi phiên chợ ở đây có trên dưới 100 con trâu được đem ra mua bán. Trung bình mỗi năm, chợ Cán Cấu cung cấp cho thị trường khắp nơi hơn một vạn con trâu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên