Nghề báo và ký ức Trường Sa

Trong cảm nhận của tôi, khi được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn nhất trong đời

Trong cuộc đời làm báo, không có gì hạnh phúc hơn là được đi và viết. Mỗi một mảnh đất, mỗi một con người, cảnh vật và cuộc sống ở những nơi mà tôi từng đặt chân tới là những ấn tượng, những kỷ niệm khó quên. Chuyến đi Trường Sa, không chỉ với riêng tôi mà cả các đồng nghiệp báo chí và cả những ai có mặt trên chuyến tàu HQ 957 sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp.

“-14 gọi 49.

-49 nghe 14.

-Vì điều kiện thời tiết không thể lên nhà giàn, các đồng chí tập trung bên máy VHF để nghe chị em văn công hát.

-Vâng ạ.

-Các anh ơi, chúng em trong đoàn công tác của tỉnh Nam Định đi thăm Trường Sa và thăm các anh, nhưng vì điều kiện thời tiết không lên được, bằng tình cảm, đại diện những người nghệ sĩ chúng em hát tặng các anh nhé! các anh có nghe rõ không?

- Thế mấy em có say sóng không?

-Say lắm các anh ạ. Ở đất liền không bao giờ hiểu được nỗi vất vả của các anh, thương lắm nhưng không biết làm sao được (tiếng nức nở xen lẫn tiếng nói - PV)  chỉ biết đem lời ca tiếng hát tặng các anh.

- Sóng to gió lớn, ra được ngoài này là quý lắm rồi. Bọn anh cũng thấy ấm lòng, phấn chấn tinh thần, bọn em hát tặng các anh, vậy thôi…

- Các anh có nghe rõ không.

- Tiếng các chiến sĩ reo hò… và tiếng văn công hát”

Phóng viên VOV tác nghiệp tại Trường Sa lớn

Chắc hẳn quý vị và các bạn cũng ít nhiều cảm nhận được tình cảm, sự chân thành, nghĩa đồng bào của những người mang trong mình dòng máu “Con lạc cháu Hồng” qua cuộc đối thoại mà chúng tôi đã kịp ghi lại được trên chuyến tàu HQ 957. 

Chuyến đi kéo dài 10 ngày đến các đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đảo Đá Lớn, Trường Sa Lớn và Nhà dàn DK1. Song có lẽ tất cả những ai có mặt trên chuyến tàu ấy đã không cầm nổi nước mắt khi nhà giàn DK1 hiện ra trước mắt trong cơn sóng lừng, gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, biển động mạnh. Lúc đó, dường như chẳng một ai nghĩ tới việc mệt mỏi vì say sóng, tất cả bật dậy, ai vào việc ấy lo làm tròn trách nhiệm của mình, bởi ai cũng thấu hiểu một điều, biết bao giờ lại có cơ hội trở lại DK1.

Bằng tất cả tình yêu nghề nghiệp, trách nhiệm của người làm báo, người máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm vội vàng tác nghiệp… khi đã xong công việc, ai nấy đều hồ hởi chia sẻ cảm xúc của mình. “Đối với phóng viên quay phim, hình ảnh là đầu vào của mọi phóng sự, sự kiện. Bằng những gì xúc tích nhất, gói gọn tâm trí, nghệ thuật nghề nghiệp trong đó. Dù có thể vật vã với sóng nhưng đã là quay phim thì phải ghi lại được hình ảnh cho dù hình ảnh bị rung, bị động nhưng tôi vẫn phải có được hình ảnh ấy”, nhà báo Dương Thanh Bình, Đài PTTH Nam Định chia sẻ.

Nhà báo ra Trường Sa tác nghiệp đặc biệt là những nhà báo nữ, những người có sức khỏe yếu thì vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng qua chuyến đi này tôi cũng gặp được một số nhà báo, trong đó có 2 phóng viên của Đài TNVN rất dũng cảm, xông xáo trong công việc. Điều này đã được anh em trên tàu ghi nhận. Tôi cũng học được kỹ năng tác nghiệp từ các chị nhà báo”, nhà báo Cát Huy Quang, Báo QĐND nhận xét.

Trong nghiệp làm báo, ai cũng mong ước một lần trong đời được đặt chân lên quần đảo Trường Sa - vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Cho dù vẫn biết những chuyến đi dài ngày lênh đênh trên biển có vô vàn khó khăn, nhất là đối với các nhà báo nữ. Tuy nhiên, vượt lên tất cả đó là niềm đam mê với nghề báo, bởi nhà báo đi đảo, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải ghi lại những khoảng khắc khó quên trên đảo. Đây có thể là cơ hội duy nhất để các phóng viên chia sẻ thông tin đến với độc giả.

Nhà báo Cát Huy Quang -  Trưởng kíp Thư ký tòa soạn báo QĐND cho biết: “Trước đây khi biên tập tin bài, tôi cũng đã đọc nhiều, biết nhiều, nhưng qua thực tiễn sự hiểu biết ấy sâu sắc, ấn tượng hơn. Tôi nghĩ mỗi nhà báo nên ra Trường Sa. Từ sự chia sẻ với bộ đội, chúng ta có trách nhiệm của người làm báo. Mong các bạn hãy một lần đến Trường Sa, thăm các chiến sĩ ở nhà giàn DK1, qua đó, bạn sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, trách nhiệm với những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng”.

Làm phóng viên ở Ban Thời sự của Báo Lao động được 11 năm, nhà báo Phạm Quang Hiệu là người đi nhiều, viết nhiều, nhưng đây cũng là lần đầu đặt chân đến Trường Sa: “Rất nhiều cảm xúc, ra đến đảo mới thấy xúc động và thiêng liêng, Chứng kiến những gian khổ, khắc nghiệt ở đảo và nhà giàn mà anh em chiến sĩ đang phải đối mặt, tôi thực sự xúc động. Nếu có điều kiện, tôi sẽ trở lại Trường Sa để hiểu Trường Sa hơn”.

Phóng viên quay phim, nhà báo Dương Thanh Bình, Đài PTTH Nam Định bộc bạch: “Ấn tượng nhất là tất cả thành viên trong đoàn nhường lại chỗ cho chúng tôi trên tàu cứu hộ để có thể ghi lại những hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ ở đảo. Mình thấy vinh dự khi được “Sinh nghệ tử nghiệp”. Cổ nhân có câu “Phi khổ nhục bất thành chính nhân quân tử”. Qua những gì được chứng kiến về những vất vả gian lao của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, tôi nghĩ những gì chúng ta làm được chưa phải lài so với những điều người khác đã làm cho chúng ta”.

Với các nhà báo được ra Trường Sa tác nghiệp là một vinh dự, còn đối với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, báo chí và các nhà báo đã và đang góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải Quân khẳng định: “Báo chí là người đi đầu trong công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của biển đảo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các chuyến đi Trường Sa và Nhà giàn DK1, dù sóng to, gió lớn, các nhà báo đều là những người xung kích, tình nguyện đi trước. Các nhà báo đã làm gương cho các cơ quan đi trên cùng một chuyến thăm đảo học tập noi theo”.

Mỗi chuyến đi là những dấu ấn trong cuộc đời làm báo. Với mỗi nhà báo, được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự và hạnh phúc khi được góp một phần trách nhiệm của mình vào việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên