Nghề bảo vệ: Nhiều vi phạm từ khâu đào tạo
Không thể lường hết hậu quả khi những người bảo vệ chưa được rèn giũa đầy đủ về mặt đạo đức, chưa được đào tạo bài bản theo đúng quy định
Những năm gần đây, nghề bảo vệ ở nước ta ngày càng được coi trọng, gần như không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng, có thể nói, chất lượng, độ tin cậy của đội ngũ bảo vệ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội và chưa đúng với mục đích đào tạo. Một số vụ bảo vệ gây thương tích cho người khác, thậm chí làm chết người trong thời gian gần đây buộc chúng ta cần nhìn nhận lại công tác đào tạo bảo vệ và việc sử dụng đội ngũ này trong các hoạt động xã hội.
Hiện nay, nhu cầu về dịch vụ bảo vệ các toà nhà cao tầng, bảo vệ các trung tâm thương mại, trường học, nơi vui chơi công cộng tăng lên nhiều. Vì thế, các công ty có chức năng đào tạo bảo vệ cũng phát triển và đội ngũ bảo vệ ngày một đông đảo hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Nhiều vụ việc bảo vệ ở một số cơ sở, doanh nghiệp thời gian gần đây có những ứng xử thô bạo, thiếu văn hoá, tham gia vào các vụ đánh người gây thương tích, thậm chí làm chết người đã gây bức xúc trong dư luận và buộc chúng ta phải đặt câu hỏi vào công tác đào tạo đội ngũ bảo vệ trong giai đoạn hiện nay.
Vụ Phan Bá Dũng, nhân viên của Tập đoàn Bảo vệ Long Hoàng cùng nhiều bảo vệ khác vây hãm, dùng hung khí tấn công 41 học sinh, gây thương tích nặng cho 6 em tại tầng hầm B1, toà nhà The Everich ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/5/2011; Vụ hơn 10 bảo vệ của Công viên Gia Định đánh trọng thương 4 người của Câu lạc bộ Inline Skating - thành phố Hồ Chí Minh; Vụ 5 bảo vệ thuộc Công ty Bảo vệ Đông Á đánh bị thương 1 người ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) và gần đây nhất, ngày 23/6/2011, bảo vệ Lê Tuấn Minh của Công ty TNHH Giai Đức đóng tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, mặc dù không biết lái xe nhưng đã lái xe lao vào các công nhân đang đình công, làm 1 người thiệt mạng, 6 người khác bị thương…
Có nhiều nguyên nhân khiến những vụ việc này liên tiếp xảy ra, nhưng có một nguyên nhân cơ bản xuất phát từ chính các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Theo quy định, nhân viên bảo vệ khi được các công ty đào tạo tuyển chọn đều phải qua các khâu kiểm tra để xác định tính cách, khả năng, năng lực, kiến thức, kinh nghiệm… đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn tuyển dụng. Về nguyên tắc, học viên sẽ được đào tạo chính thức tại trung tâm đào tạo đặc biệt của Bộ Công an theo giáo trình riêng biệt và chuyên môn do các chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xây dựng.
Có thể nói, để có được một đội ngũ bảo vệ có chất lượng chuyên môn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của xã hội, đòi hỏi công tác đào tạo phải rất khắt khe. Thế nhưng thực tế đã có nhiều vi phạm quy định về kinh doanh loại hình dịch vụ bảo vệ. Doanh nghiệp không có giấy đăng ký kinh doanh theo quy định, sử dụng công cụ hỗ trợ không có giấy phép, tuyển dụng nhân viên bảo vệ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên, thay vì phải gửi nhân viên đi đào tạo tại các trường công an nhân dân như luật định… là vi phạm phổ biến. Những lỗi vi phạm ấy là nguyên nhân đưa tới chất lượng nhân viên bảo vệ thấp, thiếu trình độ và văn hoá ứng xử.
Để dịch vụ bảo vệ thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho mỗi công dân, việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc những sai phạm của các cơ sở, công ty có chức năng đào tạo bảo vệ, nâng cao chất lượng của đội ngũ bảo vệ là cần thiết. Nghị định số 52 của Chính phủ ngày 22/4/2008 về Quản lý kinh doanh Dịch vụ bảo vệ là văn bản pháp lý quan trọng để việc kinh doanh, đào tạo nghề bảo vệ đúng quy định của pháp luật.
Không thể lường hết hậu quả khi những người bảo vệ chưa được rèn giũa đầy đủ về mặt đạo đức, chưa được đào tạo bài bản theo đúng quy định, lại được sử dụng các công cụ hỗ trợ hợp pháp như roi điện, gậy cao su, gậy sắt. Luật pháp cần được thực thi nghiêm túc, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành công an cần kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời sai phạm của các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc mới xử phạt, điều tra, khởi tố, truy tố. Bởi, chịu thiệt thòi trực tiếp trong những vụ việc này là tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân./.