Nghề dệt thổ cẩm: Giữ gìn nét văn hóa và giúp phụ nữ Cơ Tu phát triển kinh tế
VOV.VN - Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Cơ Tu. Mỗi sản phẩm thổ cẩm có hoa văn độc đáo, phong phú, thể hiện bản sắc và tâm hồn của người thợ dệt.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (dự án 6) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, để những giá trị văn hóa truyền thống của nghề dệt thổ cẩm được sống mãi với thời gian, tại xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có những người đang miệt mài gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình. PV VOV gặp gỡ chị Hồ Thị Thanh Tỏa, thành viên tổ dệt thổ cẩm Cơ Tu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu về cách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của bà con Cơ Tu.
Tại Moong xinh đẹp của thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, các chị em Cơ Tu của tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc đang miệt mài dệt vải. Được biết, trong thời gian dài, nghề dệt thổ cẩm ở xã miền núi huyện Hòa Vang gần như mai một. Hiện nay, nhờ sự nỗ lực của chị em Cơ Tu nơi đây cũng như sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm đã có nhiều khởi sắc. Bây giờ, chúng ta cùng gặp gỡ chị Trần Thị Thanh Tỏa, thành viên Tổ dệt thổ cẩm Cơ Tu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của bà con Cơ Tu nơi đây.
PV: Thưa chị Thanh Tỏa! Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu xã Hòa Bắc đã được khôi phục. Vậy, tổ dệt của mình có nhiều chị em tham gia không?
Chị Hồ Thị Thanh Tỏa: Tổ dệt của 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí hiện nay có 20 chị em thường xuyên tham gia. Chúng tôi bắt đầu học dệt từ năm 2018. Ở đây, nghề dệt thổ cẩm này coi như là đã mai một rồi nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho chị em ở 2 thôn học lại nghề truyền thống của dân tộc mình. Để tất cả mọi người, đặc biệt là chị em ở đây giữ được bản sắc của người Cơ Tu.
PV: Trong quá trình học và tham gia dệt thổ cẩm, chị em có khó khăn gì không?
Chị Hồ Thị Thanh Tỏa: Trong quá trình học cũng gặp nhiều khó khăn, một số chị cũng không mấy mặn mà với nghề truyền thống này vì học rất khó, ai không kiên trì thì không học được. Nhưng được sự quan tâm của cán bộ cấp trên, chúng tôi đã cố gắng học tốt. Đến nay ai cũng dệt rất thành thạo và đẹp mắt.
PV: Lớp học dệt này chủ yếu là các chị, các mẹ, là người lao động chính trong gia đình. Vậy các chị sắp xếp thời gia ra sao để có thể tham gia học đầy đủ và hiệu quả?
Chị Hồ Thị Thanh Tỏa: Ban đầu học tập trung nên chị em trong tổ dệt tạm gác việc gia đình. Về sau thì tranh thủ lúc xong việc nương rẫy, việc nhà thì chị em lại tới Moong cùng nhau dệt hoặc ở nhà dệt một mình. Nếu không tranh thủ thì mình sẽ không có thời gian dệt, mà không dệt sẽ lại quên mất nghề truyền thống của dân tộc mình. Do đó, chị em hay tranh thủ dệt vào ban đêm hoặc trong ngày nghỉ.
PV: Chính quyền địa phương có hỗ trợ gì thêm để động viên tinh thần cho chị em tổ dệt không thưa chị?
Chị Hồ Thị Thanh Tỏa: Chính xã, huyện kể cả thành phố cũng vậy, luôn quan tâm tổ dệt Cơ Tu xã Hòa Bắc, tạo điều kiện để chị em được học nghề một cách tốt nhất. Chính quyền mời chuyên gia, người dệt giỏi ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam xuống dạy cho chị em chúng tôi. Trong thời gian học đó, chúng tôi được hỗ trợ tiền cơm trưa 30.000 đồng/người/buổi học. Do đó, chúng tôi càng cố gắng học. Nếu ai mà không yêu nghề dệt này hoặc thiếu sự cố gắng chắc chắn sẽ bỏ ngang. Nhờ có sự quan tâm của cấp trên nên chúng tôi mới tạo ra những sản phẩm độc đáo gắn với phát triển du lịch như hiện nay. Có khách du lịch tới thì chúng tôi bán được sản phẩm đã dệt.
PV: Với thu nhập như hiện nay, nghề dệt thổ cẩm có giúp chị em trong tổ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình không ạ?
Chị Hồ Thị Thanh Tỏa: Lúc mới dệt thì được xã quan tâm, đặt hàng với số lượng khá nhiều. Mỗi thành viên dệt 20 khăn choàng. Ban đầu được hỗ trợ đầu ra, chúng tôi vừa dệt khăn, vừa dệt vải rất hăng hái. Tuy nhiên, đến nay việc tiêu thụ sản phẩm cũng có gặp khó khăn. Ở đây mình dệt thủ công nên khi bán ra thị trường giá khá cao nên khách hàng chê đắt. Mặt khác, mẫu mã của mình cũng còn hạn chế, chỉ khi nào có khách du lịch tham quan Gươl, đến chỗ dệt thì có mua làm quà với số lượng cũng ít. Thời gian không có khách du lịch thì sản phẩm chúng tôi dệt không bán được.
PV: Vậy chị em có tự tìm cách để quảng bá, bán sản phẩm thổ cẩm mình dệt ra không?
Chị Hồ Thị Thanh Tỏa: Chúng tôi đã tận dụng hết tất cả các trang mạng, trang web mình có để quảng cáo, rao bán sản phẩm. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ cũng ít.
PV: Hiện nay, hình thức bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội rất phát triển, vậy tổ dệt thổ cẩm Cơ Tu ở Hòa Bắc có phổ biến cho chị em không?
Chị Hồ Thị Thanh Tỏa: Có chứ! Chúng tôi đăng lên facebook, zalo, đăng trên các nhóm bán hàng. Mình nghĩ là do mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng phong phú, chưa đẹp mắt để thu hút khách. Nếu mình muốn thu hút thì phải đầu tư, thiết kế mẫu mã cho thật đẹp. Nếu như hiện tại thì mình rất khó. Cũng mong chính quyền hỗ trợ thêm, làm sao những sản phẩm chị em làm ra tiêu thụ nhanh, được thị trường ưu chuộng.
PV: Vâng, xin cảm ơn chị!