Nghị định 27 mang lại nhiều quyền lợi cho người giúp việc
VOV.VN -
Nghị định 27 mở ra hướng phát triển nghề giúp việc gia đình phù hợp với xu hướng thị trường lao động hiện nay.
Nghị định 27 mở ra hướng phát triển nghề giúp việc gia đình phù hợp với xu hướng thị trường lao động hiện nay.
Nghị định 27 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động đối với lao động giúp việc sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5/2014. Đây được xem như một tín hiệu tích cực để "chuẩn hóa” nghề giúp việc gia đình. Tại TP HCM, giúp việc gia đình được xem là một trong những công việc phổ biến của lao động nữ và nhiều thời điểm “cung không đủ cầu”. Vậy Nghị định 27 sẽ mang lại những lợi ích gì cho người lao động và liệu có khả khi khi thực hiện?
Nghị định 27 mở ra hướng phát triển nghề giúp việc gia đình phù hợp với xu hướng thị trường lao động hiện nay (Ảnh minh họa) |
Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng quê ở Đồng Tháp, 26 tuổi, hiện là người giúp việc cho một gia đình ở quận Bình Thạnh với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Vì gia đình có người già và em bé dưới 1 tuổi nên công việc của chị Hồng khá vất vả, chị phải làm việc từ sáng sớm đến khuya, khi chủ nhà đi ngủ thì công việc của chị mới xong. Dù chủ nhà đối xử với chị khá tốt, nhưng chị Hồng cũng thấy công việc của mình khá bấp bênh, không ổn định. Vì vậy, khi nghe thông tin có quy định mới về bảo vệ quyền lợi của người giúp việc sắp được áp dụng, chị Hồng rất vui.
Chị Hồng chia sẻ: “Tôi đã nghe về quy định đối với người người giúp việc và cảm thấy an tâm vì nhiều khi xem tivi thấy có nhiều trường hợp người giúp việc vị chủ nhà không trả tiền hoặc đuổi việc bất ngờ. Có quy định này, tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa và được tôn trọng. Khi mình làm việc tốt thì chủ nhà cũng phải có trách nhiệm với người lao động”.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM-Falmi thì nhu cầu sử dụng lao động thường xuyên trong lĩnh vực này tại thành phố khoảng 9.000- 10.000 người/năm. Có những thời điểm, nhiều gia đình gặp không ít khó khăn khi tìm người giúp việc. Thành phố hiện có hơn 10 trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng đào tạo, cung ứng người giúp việc nhà, trang bị cho học viên kiến thức nghề và kỹ năng cần thiết, như: sắp xếp thời gian biểu làm việc, sử dụng những trang thiết bị gia đình hiện đại, những điều nên và không nên làm của người giúp việc nhà, đạo đức nghề nghiệp và xử lý những mối quan hệ tế nhị với chủ.
Hầu hết học viên hoàn thành các khóa huấn luyện này đều thành thạo công việc, được chủ nhà tin tưởng và hài lòng về hiệu quả công việc, nhất là chủ nhà người nước ngoài. Tuy nhiên, hơn 80% số người giúp việc nhà vẫn chỉ làm việc bằng hợp đồng miệng và không có bảo hiểm, gặp rủi ro cao nếu chủ nhà “không đàng hoàng”. Vì thế, việc có quy định rõ ràng để có cơ sở quản lý nghề giúp việc gia đình là xu thế tất yếu.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết: “Chúng ta đã có những cơ sở đào tạo chuyên sâu để người giúp việc có kỹ năng tốt. Một nghề nghiệp phù hợp với xu thế phát triển thì cần phải có cơ chế quản lý. Khi có chế tài quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và người sử dụng lao động thì việc quản lý sẽ quy củ hơn so với trước đây”.
Nghị định 27 quy định cụ thể về hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chính sách đào tạo và bảo hiểm xã hội. Người giúp việc gia đình sẽ “danh chính ngôn thuận” và có những quyền lợi chính đáng như những người lao động ở các lĩnh vực khác. Với những quyền lợi mà người lao động được hưởng một cách hợp pháp, Nghị định 27 được xem là thông điệp mạnh mẽ về “Luật hóa” nghề giúp việc gia đình, mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội cho các gia đình thuê người giúp việc và cho bản thân người giúp việc.
Tuy nhiên trên thực tế, với một công việc mà lâu nay vẫn được vận hành theo kiểu “thuận mua, vừa bán”, thỏa thuận bằng sự tin tưởng lẫn nhau giữa 2 chủ thể cung – cầu, thì những quy định trong Nghị định có phần cứng nhắc. Điều đó sẽ gây khó khăn khi thực thi, dễ khiến cả gia chủ và người giúp việc đều e dè.
Theo bà Lê Thị Tấn Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dịch vụ gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 10, các điều khoản của Nghị định 27 có lợi cho người lao động, tuy nhiên cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, giúp việc nhà chỉ là đơn thuần thỏa thuận giữa chủ nhà và người làm. Luật này hiện hành nếu có nhiều điều kiện ràng buộc thì chủ nhà sẽ chuyển qua thuê bán thời gian thì sẽ giảm trách nhiệm hơn”.