Ngôi mộ cổ ở Quảng Nam bị khai quật và những nghi vấn
Một ngôi mộ có cấu trúc theo kiểu cổ, xung quanh được xây tường thành khá kiên cố đã bị một nhóm người tự ý khai quật, với mục đích không rõ ràng.
Ngôi mộ cổ với bốn bên cột trụ có hình búp sen lớn, hai tấm bia mộ được khắc bằng văn tự cổ (chưa xác định được là chữ Hán hay chữ Nho), phần huyệt mộ được xây với độ cao 70cm trồi lên mặt đất đã bị đào bới nham nhở. Những tấm bia đá và nắp quan tài có chạm khắc hoa văn bằng khối đá lớn cũng bị hất văng, xương cốt bị vứt ra ngoài quách...
Có người nhờ di dời phần mộ?
Khoảng 8h ngày 6/3, có một nhóm người địa phương gồm Nguyễn Thị Minh Thắm, Lê Văn Long (hay còn gọi là Xuân Bình), Nguyễn Trung Hưng cùng 3 thanh niên khác (cùng khối phố 8, P. An Sơn) đến để di dời mộ.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Minh Thắm có đưa ra cho mọi người xem một tờ giấy và nói đây là giấy chứng nhận cho phép di dời mộ có xác nhận của chính quyền địa phương. Sau đó ông Bình tiến hành thủ tục cúng bái rồi bắt đầu đào mộ.
Ngôi mộ cổ bị đào bới nham nhở |
Trong quá trình nhóm người này đào mộ, có một số người dân quanh đó đến xem. Tuy nhiên khi nhóm người này đào bắt đầu chạm đến chiếc quan tài, thì bà Thắm bảo mọi người hãy về nhà vì đứng đây sợ khí độc của ngôi mộ bốc lên không tốt cho sức khỏe. Nghe bà thắm nói vậy, mọi người lần lượt ra về.
Sau khi đào được ngôi mộ thứ nhất, nhóm người do bà Thắm đưa tới cạy tấm đá nặng lên hất qua bên. Sau đó, họ nhặt nhạnh vài thứ dưới mộ cho vào thùng rồi chở đi nơi khác. Thấy nhiều mảng xương còn nằm vương vãi, người dân hỏi thì những người đào mộ không trả lời.
Đến hơn 10h cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hạnh (64 tuổi, ở khối phố 8, phường An Sơn), nhà bên cạnh ngôi mộ quay trở lại thì nhóm người trên đã bỏ đi hết. Hiện trường để lại chỉ là một hố sâu huyệt mộ, toàn bộ ngôi mộ đã bị khai quật, xương cốt bị vứt sang một bên, nhiều mảng xương bị các dụng cụ đào bới đập vỡ còn nằm vương vãi. Phía dưới hố còn có một hũm sâu vẫn còn dấu vết của một chiếc hũ nhỏ. Thấy vậy, Bà hạnh tức tốc gọi mọi người quanh đó đến chứng kiến.
Tiếp xúc với phóng viên, một người dân bức xúc cho biết: “Người phụ nữ tên Thắm nói đây là mộ họ hàng của một gia đình ở Huế, người nằm dưới mộ này họ Hoàng, là cụ tổ của gia đình. Vì gia đình này bận việc không vào di dời được nên mới nhờ họ đưa giúp đi. Khi chúng tôi yêu cầu được xem tờ giấy có dấu xác nhận của chính quyền, người phụ nữ này không đưa ra mà nói rằng lúc trước đã đưa cho nhiều người xem rồi, ai cũng biết cả, không cần xem nữa.”
Người dân nơi đây cho biết 2 ngôi mộ nằm trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Hạnh đã mấy trăm năm nay và thường xuyên được gia đình bà và người dân quanh đây hương khói. Chủ nhân ngôi mộ tên là Hoàng Hoàng Nhân, sống dưới thời vua Gia Long. Nhiều người nhận định đây chắc chắn là mộ phần của một người có chức tước thời Vua Gia long, bởi trước đây xung quanh ngôi mộ có nhiều tượng lính canh gác, nhưng qua thời gian, những tượng lính này đã bị mất.
Trước khi bị nhóm người này đào bới, ngôi mộ vẫn ở trạng thái nguyên vẹn. Bên cạnh ngôi mộ này còn có một ngôi mộ cùng thời của bà Phan Thị Chi, có chồng là Hoàng Công Nguyên cũng cùng niên đại với ngôi mộ bị đào bới...
Mục đích mờ ám
Theo thông tin mà nhiều người dân tại đây cung cấp cho phóng viên, thì nhóm người đào mộ kia có được một tờ giấy có dấu đỏ, nói là UBND phường An Sơn đã chấp thuận cho họ đào và bốc cốt 2 ngôi mộ này đi. Tuy nhiên ngay cả bà Hạnh, và nhiều người khác là người trong phường An Sơn dù không biết giấy viết gì vẫn đồng ý cho nhóm người này đào mộ. Sáng 7/3, khi nhóm người nêu trên tiếp tục đến để chuẩn bị đào ngôi mộ thứ hai, người dân liền trình báo chính quyền địa phương.
Người dân nơi đây chưa hiểu chuyện gì xả ra khi một nhóm người tự ý đến đào mộ |
Sau khi nhận được tin báo, chính quyền đã gấp rút xuống hiện trường xem xét, yêu cầu các bên liên quan đến để làm việc. Hiện nay, người đứng ra để tổ chức bốc mộ vẫn chưa chứng minh được mình có quan hệ như thế nào với ngôi mộ trên.
Đáng chú ý, có người đã vùi lấp lại ngôi mộ cổ trong khi người dân yêu cầu phải giữ nguyên hiện trường để mời các cơ quan báo chí tới làm việc. Một cán bộ phường đã nói với người dân rằng không nên để ngôi mộ như thế, sẽ ảnh hưởng đến môi trường(?), rồi cho người mua quách nhặt lại số xương cốt và lấp lại ngôi mộ rất nhanh.
Sự thật là người phụ nữ tên Thắm có có được tờ giấy di dời mộ có sự cho phép của chính quyền hay không, hay đó chỉ là một tờ giấy giả mạo con dấu của phường An Sơn?
Ông Nguyễn Thọ Pha, Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn, khẳng định phường không cấp giấy cho ai đào 2 ngôi mộ cổ này. Phường đã yêu cầu phía công an sớm điều tra làm rõ sự việc và xử lý nghiêm. Nhưng đến thời điểm này, những người đào mộ đã cao chạy xa bay...
Tại hiện trường, mặc dù là cuối buổi chiều nhưng vẫn còn rất đông người dân đứng xung quanh ngôi mộ bị đạo bới, và rất phẫn nộ vì hạnh động phi nhân tính này. Một người dân bức xúc cho biết: “Không biết họ đã lấy đi thứ gì bên trong ngôi mộ cổ này. Nhưng dù là gì đi chăng nữa thì tôi và tất cả người dân nơi đây đều không đồng ý với việc làm đó. Người đã khuất thì hãy để họ được yên, chắc chắn phải có động cơ không tốt nên nhóm người kia mới làm như thế! Phải chăng nhóm người kia lợi dụng việc đào mộ, bốc cốt để tìm cổ vật ở hai ngôi mộ cổ này?”.
Nhiều người dân cho biết, trước đây người dân quanh hai ngôi mộ cổ này có ý định góp tiền lại để tu sửa, xây rào chắn cho hai ngôi mộ trên, nhưng sau khi một đoàn cán bộ khảo sát của Sở VH – TT & DL tỉnh Quảng Nam về tìm hiểu thông tin, đã không cho phép người dân tự ý cải tạo hai ngôi mộ này, mà cần chờ cơ quan chức năng có kế hoạch.
Đến sáng 8/3/2012, cơ quan chức năng đã triệu tập người phụ nữ tên Thắm đến CAP An Sơn để điều tra sự việc và truy tìm tung tích cũng như tang vật đào được trong ngôi mộ cổ. Trong khi đó, ngôi mộ còn lại may mắn vẫn còn nguyên vẹn../.