Ngư dân ra khơi đầu năm với nhiều hy vọng
(VOV) -Sau những ngày nghỉ tết Quý Tỵ, ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng) nhiều tỉnh ven biển đã ra khơi cho một mùa đánh bắt mới.
** Sau những ngày nghỉ tết Quý Tỵ, ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng) hàng ngàn ngư dân ven biển Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tất bật chuẩn bị phương tiện và ngư cụ cho ngày ra khơi đầu năm và lễ xuất hành đầu năm vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch.
Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, sau Tết là thời điểm biển có nhiều luồng tôm, cá nên nhiều gia đình chỉ ăn Tết hết ngày mùng 3 là chuẩn bị ra khơi. Gia đình anh Trần Văn Bảo, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy bắt đầu ra khơi từ ngày 17/2, mở đầu cho mùa mở biển năm 2013.
Anh Bảo cho biết, phát huy vụ sứa năm 2012 thắng lớn, ai cao thì được 200 triệu/tháng còn như anh cũng được 50-60 triệu/tháng. Vì vậy, năm nay gia đình anh sẽ chỉ chuyên đánh bắt sứa. Với hy vọng mở đầu may mắn cho cả năm đi biển, ngoài những vật dụng cần thiết cho chuyến đi biển đầu năm, anh không quên mang theo các loại thực phẩm thường dùng trong ngày tết để dâng lên thần biển.
Sau những ngày nghỉ tết Quý Tỵ, ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng) hàng ngàn ngư dân ven biển Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tất bật chuẩn bị phương tiện và ngư cụ cho ngày ra khơi đầu năm - Ảnh minh họa. |
Gia đình ông Ngô Văn Huy, chủ tàu cá tại cảng Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy lại chọn mùng 9 Tết là ngày mở biển đầu năm.
“Năm nay, tôi thấy thời tiết thuận lợi, gió đông nam nồm này thì nghề biển dễ làm ăn lắm. Năm 2012 tôi đi biển mùng 6 nhưng năm nay phương tiện chuẩn bị kỹ càng hơn cho nên anh em phải tập trung làm nghề, làm nghiệp chuẩn bị đi xa. Tôi chọn mùng 9 tốt ngày mới đi” - ông Ngô Văn Huy cho biết.
Hiện toàn tỉnh Thái Bình có khoảng hơn 500 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó huyện Thái Thụy có 458 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản với tổng công suất gần 40.000CV. Trong đó có 22 đôi tàu đánh bắt xa bờ.
Mặc dù trong năm 2012, thời tiết không thuận, giá cả xăng dầu tăng cao nhưng với sự cố gắng, nỗ lực bám biển của ngư dân nên sản lượng khai thác của toàn huyện vẫn đạt trên 32.600 tấn. Để hoàn thành kế hoạch 36.000 tấn trong năm 2013, huyện Thái Thụy đã có nhiều cơ chế khuyến khích để ngư dân vươn ra khơi xa.
Ông Trần Xuân Nhuệ, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: “Năm 2013, huyện xác định phải tập trung rất cao khuyến khích động viên nhân dân tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tàu thuyền, khuyến khích hoạt động của tàu khơi để mở rộng ngư trường và tăng cường thu nhập của bà con nông dân. Trong không khí đón xuân phấn khởi ngày 12 tháng Giêng âm lịch chúng tôi tổ chức lễ hội bơi chải để động viên khuyến khích ngư dân và những người làm nghề trên biển tạo không khí vui vẻ ra quân ngay từ đầu xuân thắng lợi”.
Lễ hội cầu ngư tại Thái Bình sẽ được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, với nhiều hoạt động văn hóa đậm nét truyền thống và văn hóa tâm linh của ngư dân như thi đan lưới, đua thuyền thúng…
** Còn tại Quảng Ngãi, ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng), một số cơ sở đóng mới tàu thuyền ở tỉnh cũng đã hoạt động trở lại.
Sáng mùng 8 tháng Giêng, cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương đầu năm và bắt tay vào việc hoàn thiện đôi tàu có công suất 450 mã lực, trị giá hơn 5 tỷ đồng của ngư dân Trần Chức. Trong khí thế đầu năm mới, những người thợ đóng tàu ở đây lao động rất khẩn trương. Ngư dân Trần Chức nôn nao mong muốn đôi tàu của mình sớm hoàn thành để vươn ra khơi xa.
Năm 2012, nhờ trúng đậm mùa biển nên ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đóng mới 150 tàu công suất lớn - Ảnh minh họa |
Năm 2012, nhờ trúng đậm mùa biển nên ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đóng mới 150 tàu công suất lớn, vươn ra khơi bám biển dài ngày.
Ngư dân Nguyễn Chí Thành ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ ngày làm ăn vốn vay ngân hàng thì kinh tế gia đình mới bắt đầu khấm khá. Điều quan trọng là được nhà nước hỗ trợ, thấy mình làm tốt thì sẽ tiếp tục đầu tư.
Đóng mới tàu có công suất lớn là hướng đi mới của các địa phương ven biển. Ông Trần Ngọc Xôn, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Địa phương cũng đã chỉ đạo cho chính quyền và các đoàn thể tiếp tục vận động ngư dân đóng mới tàu thuyền và cải hoán tàu thuyền nâng công suất để ra khơi bám biển dài ngày, vừa phát triển kinh tế địa phương vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Liên kết cùng đóng mới tàu công suất lớn, đội tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục bám biển dài ngày, vừa làm giàu từ biển vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.