Ngư dân và tiểu thương ế hàng vì tình trạng cá chết
VOV.VN - Nhiều người dân, ngư dân và tiểu thương đang hoang mang, buôn bán ế ẩm vì tình trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân.
Trong lúc các cơ quan chức năng chưa đưa ra được câu trả lời xác đáng về hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bãi biển miền Trung thì những ngày qua, không ít người ở thành phố Đà Nẵng mất ăn, mất ngủ vì cá chết.
iểu thương chợ Đống Đa, thành phố Đà Nẵng buồn rầu do không bán được cá.
Người tiêu dùng lo sợ
Tại thành phố, hiện tượng cá chết chỉ mới xuất hiện cách đây vài ngày nhưng đã tác động nhiều mặt đến đời sống của người dân. Khu neo đậu tàu thuyền Thọ Quang không còn tấp nập tàu thuyền vào ra. Du lịch biển vắng bóng người. Hàng quán ế ẩm. Tiểu thương “ méo mặt” vì không biết bán cá cho ai. Những thiệt hại về vật chất sẽ còn tăng theo cấp số nhân khi mà hiện tượng cá chết được người dân suy diễn theo nhiều cách khác nhau.
Các ý kiến của người dân: "Nghe cá chết quá nhiều đi, sợ lắm. Cá sông tươi sống rứa thì mình ăn. Mình tự bảo vệ lấy mình".
"Họ không ăn rồi chị em bán không được. Không biết chia sẻ với ai hết".
"Ở trên kết luận sớm chừng nào tốt chừng ấy để bà con ngư dân làm ăn kiếm đồng tiền nuôi vợ nuôi con. Làm sao chặn đứng tình hình cá chết để bà con ở bờ mới dám ăn cá, đi làm vô mới bán được".
Giá cá hạ, ngư dân chẳng muốn ra khơi. |
Chưa bao giờ người dân cảm thấy lo lắng như vậy. Ra chợ thì quanh đi quẩn lại cũng rau, thịt.
Ngư dân và tiểu thương ế hàng
Ngư dân đánh bắt hải sản ngoài khơi cả tháng trời mới vào bờ nhưng không biết bán cá cho ai. Tiểu thương chở cá ra chợ không bán được đành chở về nhà.
Ông Bùi Bá Thơm ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu của ông đánh bắt ngoài Vịnh Bắc bộ gần 1 tháng nay, được hơn 16 tấn cá. Sáng nay, ông cho tàu vào neo đậu tại cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng để bán cá. Thường thì với số lượng cá như vậy, ông Thơm bán được 200 triệu đồng. Nhưng hôm nay ông Thơm đành bán lỗ 40 triệu đồng, vẫn còn may mắn hơn nhiều chủ tàu khác.
Hàng thịt bỗng dưng đắt khách. |
Ông Thơm nói: "Mới đi biển mới vô, nghe mấy đứa nhỏ mở mạng mới biết là cá chết, trôi vậy thôi. Cũng như bà con nói là dạo này cá chết quá trời do nhiễm độc gì đó, thành thử bán chậm lắm".
Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, thông thường mỗi ngày tại đây có khoảng 1.600 phương tiện đến nhận cá và các loại hải sản khác, chuyển đến các chợ lẻ. Thế nhưng mấy ngày nay, số phương tiện giảm xuống còn 1.000 chiếc. Người mua giảm nên giá cá cũng giảm từ 20 đến 30% so với ngày thường.
“Do tâm lý hoang mang của dân ở các chợ lẻ ngại tiêu thụ cá nên chúng tôi đưa đến đây là chợ đầu mối thủy sản miền Trung trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Trong 3 ngày trở lại đây, đặc biệt là ngày 27 có tin rộ lên cá chết trôi dạt về phía Đà Nẵng nên ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hải sản”, ông Phương cho biết.
Thông tin cá chết được lan truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh buôn bán.
Chợ Đống Đa, thành phố Đà Nẵng có hơn 100 tiểu thương buôn bán cá và các loại hải sản khác, mấy hôm nay hàng cá ế ẩm, chị em tiểu thương “ngáp ngắn, ngáp dài”.
Bà Huỳnh Thị Vạn bán cá ở chợ cho biết, cả gia đình trông chờ vào sạp cá ở chợ. Thường thì mỗi ngày bà Vạn bán ra nửa tạ cá các loại, nhưng 2 hôm nay không ngày nào bà bán quá 10 ký, tiền lời chỉ đủ mua rau.
Bà Vạn kể: "Bán không được còn mấy lát cắt ra đem về ăn, cho anh em ăn. Nhà có 4 người mà 2 người bị đau, ở chợ mình bán không được phải vay của người ta nên phải trả lại cho họ"./.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng với các cơ quan liên quan vào chiều nay (28/4), Chi Cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả kiểm tra lấy mẫu nước biển phân tích chất lượng ven bờ biển Đà Nẵng.
Theo đó, tại các vị trí cách bờ biển khoảng 100m gồm: tại bãi tắm Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước, Bãi Rạng; cầu cảng Tiên Sa; cửa sông Phú Lộc; cửa sông Cu Đê, các thông số về lượng ô xy hòa tan trong nước, tổng chất rắn lơ lửng, chì, thủy ngân, xyanua đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.
Kết quả phân tích mẫu nước biển vào ngày 27/4 so với kết quả phân tích lượng nước biển ngày 17/4 và trong năm 2015 cho cũng thấy không có sự biến động bất thường nào.
Những chỉ số này đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định bãi biển Đà Nẵng an toàn cho người dân và du khách tắm biển
Đà Nẵng công bố kết quả phân tích mẫu nước biển sau khi có cá chết