Người bạn Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Nhờ có Bác tôi đã đứng về phía nhân dân Việt Nam, gắn bó với đất nước Việt Nam”.

Đó là những tâm sự của cụ Raymond Aubrac, một người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam trong buổi trò chuyện với báo giới tại Hà Nội. Đối với cụ và nhân dân Pháp tiến bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một nhà lãnh đạo giản dị, hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì quê hương, đất nước.

Với giọng nói trầm ấm, cụ Raymond Aubrac đã kể cho chúng tôi nghe về những lần cụ có dịp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ cho biết, đã vinh dự được gặp Người lần đầu tiên vào năm 1946, khi vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Paris với tư cách là thượng khách của nước Pháp.

“Lúc ấy, tôi được mời đến dự một cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc gặp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn tôi đã can thiệp để Ban lãnh đạo Trại lao động Marseille thay đổi thái độ đối xử với người lao động Việt Nam. Do Người không muốn ở nơi mà Chính phủ Pháp bố trí, tôi đã mời Người về nhà tôi ở. Người đã nhận lời. Tôi muốn kể như thế để các bạn hiểu về bối cảnh lúc ấy, về mối quan hệ giữa những người kháng chiến Pháp với nhân dân Việt Nam”.

Cụ Raymond Aubrac kể tiếp: “Các bạn có nhận thấy một điều đáng ngạc nhiên: một thượng khách của nước Pháp lại chấp nhận đến ở nhà một công dân bình thường! Lý do vì Người là một người kháng chiến. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi ở thể hiện tính cách của Người, không muốn ở những nơi xa hoa lộng lẫy, mà muốn ở những nơi dân dã, tìm hiểu cuộc sống của người dân Pháp. Kể từ giờ phút đó trở đi, tôi đã tự nguyện tham gia vào cuộc đấu tranh chống ách thực dân trên thế giới, đứng về phía nhân dân Việt Nam và gắn bó với Việt Nam”.

Năm nay đã ở tuổi 96, cụ Raymond Aubrac vẫn rất minh mẫn khi kể về những kỷ niệm được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với cụ, 6 tuần Hồ Chủ tịch ở cùng gia đình cụ là quãng thời gian không thể nào quên. Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, cụ đã trở thành một cầu nối giữa lực lượng kháng chiến Pháp, những người dân Pháp tiến bộ với đất nước Việt Nam.

Cụ Aubrac cũng là người đã giúp đỡ ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (năm 1995); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (năm 1967); kêu gọi và góp phần làm chất dứt ném bom xuống các đê sông Hồng (năm 1972); và là đại diện cho Tổng Thư ký Liên hiệp quốc để thực hiện Chương trình trợ giúp gia đình cho Việt Nam thống nhất (năm 1976) và yêu cầu ông Mc Namara chấp thuận chuyển giao cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17 (năm 1979).

Trở lại đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tâm trạng của cụ Raymond Aubrac thật xúc động: “Đây là lần thứ 16, tôi trở lại Việt Nam. Phải nói rằng, tôi là người có may mắn lớn khi có nhiều cơ hội gắn bó với Việt Nam đến vậy. Mỗi lần trở lại Việt Nam, tôi đều cảm nhận một đất nước Việt Nam hoàn toàn mới. Đất nước của các bạn thay đổi từng ngày. Người ta có cảm nhận rằng đất nước của các bạn như một con tàu ra khơi, ngày càng xa bờ để tìm đến Đại dương, hướng tới sự tiến bộ và phát triển. Đất nước của các bạn luôn hồi sinh. Cũng có thể ví rằng mỗi lần tái sinh như vậy là một cuộc “vượt cạn” và người thầy thuốc giúp Việt Nam “vượt cạn” ấy chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Những sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến Việt Nam có sự tham gia của cụ Raymond Aubrac và gia đình chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và quan trọng. Qua đó, góp phần cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh rất hiệu quả trên diễn đàn quốc tế, giúp Việt Nam giành được những thắng lợi thiết thực và quý báu để giành lại độc lập, tự do thống nhất đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên