Người béo phì, có bệnh nền bị sốt xuất huyết dễ chuyển nặng
VOV.VN - Những trường hợp thừa cân béo phì thường có miễn dịch kém hơn và đi kèm các bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường. Khi mắc sốt xuất huyết bệnh nhân dễ bị bội nhiễm, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Mới đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp ghi nhận 2 trường hợp có cơ địa thừa cân, béo phì bị biến chứng nặng do sốt xuất huyết. Một trong hai bệnh nhân là P.T.D. – 22 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Trước đó, D. đột nhiên thấy đau đầu, chóng mặt, sốt cao. Tưởng là bị cảm cúm thông thường nên em đã về quê ở Hải Dương để được gia đình chăm sóc. Thấy cơn sốt mãi không dứt, D. đi xét nghiệm tại một phòng khám tư nhân gần nhà và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nghĩ bệnh không nghiêm trọng nên D. ở lại phòng khám này điều trị. Đến ngày thứ 7, thấy các triệu chứng không giảm, D. mới đến Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh.
D. nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi, khó thở, da ẩm lạnh, tiểu cầu hạ thấp, máu bị cô đặc kèm theo tràn dịch màng bụng, màng phổi. Sau 2 ngày được các bác sĩ tích cực điều trị, D. đã đỡ sốt, ăn uống được song vẫn còn khó thở. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, do thể trạng béo phì cộng với nhập viện muộn, D. vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm, phải theo dõi chặt chẽ. Đúng như dự đoán của các bác sĩ, chỉ ít phút sau cuộc trò chuyện với chúng tôi, D. đã phải chuyển từ phòng theo dõi thường xuống phòng cấp cứu, tiên lượng rất nặng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người có bệnh nền, đặc biệt là bệnh lý về tim mạch, thận, phổi, gan, đái tháo đường, người mắc ung thư, phụ nữ có thai hoặc những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch là cơ địa đặc biệt. Khi mắc sốt xuất huyết thì có nguy cơ cao xảy ra biến chứng nặng vì bản thân các bệnh nền đó sẽ nặng lên, đồng thời, virus tấn công toàn thân, không chỉ gây xuất huyết mà còn gây rối loạn đông máu và suy đa tạng. Bên cạnh đó, việc điều trị cho các bệnh nhân này cũng khá khó khăn.
“Ví dụ, với bệnh nhân tim mạch, nếu truyền dịch quá nhanh, quá nhiều thì có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Nhưng trong trường hợp bệnh nhân bị cô đặc máu, nếu sợ truyền dịch khiến huyết áp tăng hoặc gây phù phổi mà không dám truyền thì sẽ có thể dẫn đến sốc nặng hơn. Cho nên bệnh lý nền và sốt xuất huyết sẽ trở thành một vòng xoắn bệnh lý. Nếu như chỉ quan tâm điều trị một bệnh thôi mà bỏ qua những bệnh khác thì người bệnh rất dễ gặp nguy hiểm”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.
Những trường hợp thừa cân béo phì thường có miễn dịch kém hơn và đi kèm các bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... Bệnh nhân dễ bị bội nhiễm, khiến bệnh tiến triển nặng hơn như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận. Thời gian điều trị sẽ lâu, phức tạp hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc tính toán, cân đối lượng dịch truyền sao cho phù hợp đối với người thừa cân, béo phì rất khó khăn. Khi cần can thiệp, việc lấy ven ngoại vi để truyền dịch hoặc thực hiện các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức cũng khó hơn.
“Những trường hợp bệnh nhân có bệnh nền các bác sĩ truyền nhiễm thường phải phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa khác để điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân có biến chứng nặng như xuất huyết hoặc sốc. Vì vậy, chúng tôi khuyên các bệnh nhân có thể trạng thừa cân béo phì hoặc có bệnh nền, khi mắc sốt xuất huyết thì cần được theo dõi tại các các tuyến chuyên khoa, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa để các bác sĩ có thể cùng hội chẩn và hỗ trợ luôn” - PGS.TS Đỗ Duy Cường đưa ra lời khuyên.
Không nên chỉ chú trọng hiện tượng giảm tiểu cầu mà bỏ qua tình trạng cô đặc máu
PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng chia sẻ, sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải. Thời gian qua, rất nhiều trường hợp mặc dù còn trẻ, khỏe mạnh, không có bệnh nền hoặc không thừa cân béo phì nhưng cũng rơi vào nguy kịch do chủ quan, tự điều trị tại nhà, đến viện muộn. Trong đó, có những bệnh nhân đã tử vong một cách đáng tiếc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa. Do đó, để giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở người trẻ và những người không có bệnh nền, phải tăng cường phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ mà Bộ Y tế hướng dẫn.
Theo vị chuyên gia về truyền nhiễm, hiện ở Việt Nam vẫn quen gọi “bệnh sốt xuất huyết”. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đã đổi thành “bệnh Dengue” (Dengue Disease) hoặc “sốt Dengue” (Dengue Fever) mà bỏ đi chữ “xuất huyết” (hemorrhagic). Bởi vì bệnh Dengue không chỉ gây ra xuất huyết do giảm tiểu cầu, mà còn gây ra thoát huyết tương dẫn đến hiện tượng cô đặc máu - đây mới là nguyên nhân chính dẫn tới sốc và tử vong.
Theo cơ chế bệnh sinh, khi virus Dengue tấn công cơ thể thì gây ra hai hiện tượng:
- Thứ nhất là xuất huyết: Bởi virus gây ức chế tủy xương, làm cho tiểu cầu bị kết tập lại và giảm tiểu cầu sẽ giảm. Khi tiểu cầu giảm nặng, (dưới 50 G/L) dễ gây xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm tím nơi tiêm truyền, rong kinh, rong huyết, có thể nôn ra máu, đi ngoài, đi tiểu ra máu... Hiện tượng này thường xảy ra từ ngày thứ 4 – thứ 5 trở đi.
-Thứ hai là hiện tượng cô đặc máu: Do virus tấn công vào các mao mạch của mạch máu làm cho mạch máu bị tổn thương và huyết tương trong lòng mạch sẽ thoát ra và tràn vào các khoang của cơ thể như màng bụng, màng phổi. Khi đó, máu sẽ bị cô đặc, gây ra tụt huyết áp và sốc. Đây là sốc giảm thể tích rất nguy hiểm, có thể không đi kèm với xuất huyết khiến nhiều người đến bệnh viện muộn và lúc này cấp cứu hết sức khó khăn. Hiện tượng máu cô đặc cũng thường xảy ra trong khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 kể từ khi phát bệnh. Do vậy, trong giai đoạn này, mọi người cần chú ý những dấu hiệu cảnh báo của sốc như bệnh nhân mệt mỏi nhiều, không ăn uống được, khó thở, đau bụng vùng hạ sườn phải, da ẩm lạnh…
PGS.TS Đỗ Duy Cường hướng dẫn, ngay trong những ngày đầu nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa để được làm xét nghiệm khẳng định và làm xét nghiệm công thức máu để biết số lượng tiểu cầu và độ cô đặc máu (hematocrit). Nếu chỉ số Hematocrit tăng, tức là có hiện tượng huyết tương bị thoát ra lòng mạch và máu bị cô đặc cần phải nhập viện ngay để được theo dõi và điều trị.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, những ngày gần đây rất nhiều bệnh nhân mắc sốt Dengue chia sẻ về nỗi lo sợ tiểu cầu tụt thấp và đề nghị nhập viện hoặc cho truyền tiểu cầu. Tuy nhiên, không phải cứ sốt xuất huyết là cần truyền máu hay truyền tiểu cầu. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người bệnh có chỉ số tiểu cầu dưới 5 G/L hoặc tiểu cầu dưới 10 G/L kèm theo xuất huyết thì mới cần truyền tiểu cầu.
Do đó, mọi người không nên quá chú trọng vào số lượng tiểu cầu (xuất huyết) mà hãy để ý đến tình trạng cô đặc máu (Hematocrit tăng, tràn dịch màng bụng, màng phổi), để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời sốc giảm thể tích, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.