Người Chăm Islam làm theo gương Bác

Sau 3 năm triển khai, Cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đồng bào Chăm đã lan toả đến tận các vùng sâu, vùng xa...  

Tại nước ta đồng bào Chăm có 150.000 người, trong đó có khoảng trên 20.000 người Chăm ở Nam bộ theo đạo Islam. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, nhiều tập thể, cá nhân đồng bào Chăm đã có những việc làm thiết thực 

Tại TP. Hồ Chí Minh, được học tập và nghe những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, bà con Chăm ở quận 6 sống càng thân thiện hơn, đoàn kết và cần cù vươn lên trong làm ăn. Ông Solimann, năm nay đã trên 60 tuổi nhưng vẫn tham gia đi tuần tra bảo vệ khu phố. Ông nói: “Học tập Bác Hồ, tuổi già nhưng việc gì làm được tôi vẫn cố gắng làm”.

Phường 2, quận 8 là nơi có đông đồng bào Chăm, nhiều năm liền đạt danh hiệu là khu phố văn hóa. Nơi đây cũng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Ông Haji Kim Sô, giáo cả Thánh đường phường 2, quận 8 rất tâm đắc về tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ. Ông luôn tìm mọi cách để hướng dẫn bà con biết đoàn kết tốt với các dân tộc anh em sống trên địa bàn, vì có đoàn kết thì môi trường sống mới yên vui, bà con mới toàn tâm lo làm ăn. “Nghe nhiều mẩu chuyện về Bác Hồ, tôi rất xúc động và mong muốn nhiều người được nghe, được biết tấm gương của Bác Hồ để làm theo. Vì làm theo Bác tốt cho mình, cho gia đình và cho cả mọi dân tộc” - ông Haji Kim Sô bày tỏ.

Tỉnh An Giang là nơi có gần 14.000 đồng bào Chăm Islam sinh sống tập trung tại 5 huyện với 9 làng Chăm. Chính quyền các địa phương trong tỉnh triển khai cuộc vận động lớn này theo cách riêng của mình. Huyện An Phú tổ chức thành công cuộc thi “Nhân dân kể chuyện Bác Hồ” dành cho những thí sinh từ 35 tuổi trở lên và “Hội thi Thanh niên dân tộc Chăm kể chuyện đạo đức Bác Hồ”. Hội thi đã tạo nên không khí sôi động trong làng, khơi dậy được tình cảm, sự gần gũi gắn bó giữa Đảng, chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân. Từ các cuộc thi, qua những buổi tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể và của Ban giáo cả, bà con rất phấn khởi và có sự chuyển biến rất nhiều trong nhận thức. Ông Mách Salê, Phó giáo cả Thánh đường ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Bà con rất phấn khởi, háo hức đến nghe. Sau khi học xong, bà con rất vui vì hiểu được đức tiết kiệm của Bác, bà con nghĩ ra cách tiết kiệm tiền, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian trong lao động sản xuất. Cả một đời Bác hy sinh vì dân tộc, vì đất nước, lo cho bà con có cơm ăn áo mặc, sợ bà con đói rách khổ đau. Nhà nước triển khai cuộc vận động này rất là hay, rất tốt để bà con học tập và làm theo Bác”.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang tâm đắc nói: “Học tập Bác Hồ về tinh thần học tập, cả cộng đồng đã chung tay xây dựng phong trào khuyến học. Đến nay, tình trạng học sinh bỏ học không còn. Hiện có 35 chị em vừa đăng ký đi học chữ Việt, một tuần 4 buổi tối”.

Sau 3 năm triển khai Cuộc vận động, trong cộng đồng người Chăm Nam bộ tuy nhận thức có mức độ khác nhau, nhưng mọi người đã hiểu hơn về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để rồi tất cả đều nâng cao ý thức trách nhiệm công dân của mình, sống đoàn kết, xây dựng xóm làng ngày càng trù phú, yên vui./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên