Người chiến thắng “tử thần” bằng dụng cụ sửa xe đạp
(VOV) -Đại úy Trương Thế Hùng, người đầu tiên vô hiệu hóa thủy lôi, bom từ trường bằng dụng cụ sửa xe đạp
Trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (tháng 6/1973 –tháng 6/2013). 40 năm đã qua đi nhưng mỗi khi gặp lại nhau, những người tháo gỡ quả thủy lôi đầu tiên ấy vẫn không vơi đi niềm tự hào, xúc động. Trò chuyện với những người đã chiến thắng thủy lôi và bom từ trường năm xưa, các ông đều cho rằng mình là người may mắn bởi còn sống sau khi đối mặt với tử thần. Phóng viên VOV giới thiệu Đại úy Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng Đội 8, Công binh Hải quân, người đầu tiên vô hiệu hóa thủy lôi, bom từ trường bằng dụng cụ sửa xe đạp.
Bác Trương Thế Hùng (phải) trò chuyện với đồng đội nhân ngày họp măt 40 năm chiến thắng thủy lôi, bom từ trường tại Hải Phòng. |
Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Ông Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng Đội 8, Công binh Hải quân vẫn còn rất minh mẫn. Lật dở những bức ảnh đã ố vàng theo thời gian, cùng bộ đồ sửa xe đạp dùng để tháo gỡ thủy lôi và thanh gỗ đẽo gọt để tháo ốc vít bom từ trường. Đại úy Trương Thế Hùng kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt ấy với giọng rưng rưng xúc động.
Đó là vào đầu năm 1967, bất chấp luật pháp quốc tế, Mỹ thả hàng nghìn quả thủy lôi và bom từ trường xuống các cửa sông, cửa biển miền Bắc nước ta như: Cửa sông Mã-Thanh Hóa, Cửa Hội-Nghệ An, cửa sông Gianh, cửa sông Nhật Lệ-Quảng Bình… Trước tình hình đó, lực lượng hải quân đã lập hàng trăm trạm quan sát cùng với các đơn vị bạn chia ô, khoanh vùng để nắm được số lượng thủy lôi và những khu vực mà Mỹ thả xuống. Ngày 1-3-1967, Bộ tư lệnh Hải quân đã cử ông Trương Thế Hùng, ông Trần Thanh Hoài và ông Đào Kỳ thuộc Đội 8 Công binh Hải quân vào Khu 4 để nghiên cứu hai quả thủy lôi đã được Công binh Quảng Bình trục vớt ở phà sông Gianh và đưa về Nam Đàn-Nghệ An.
Khi giáp mặt với thủy lôi, ông Trương Thế Hùng và đồng đội nhận định: Đây là hai quả thủy lôi chìm đáy không chạm nổ, là thủy lôi cảm ứng từ và thủy lôi âm thanh MK50 và MK52. Trước loại vũ khí này, ban đầu ông Hùng rất băn khoăn. Song do được chuyên gia Liên Xô huấn luyện, ông Hùng đã yêu cầu đặt hai quả thủy lôi cách xa đề phòng chúng kích nổ lẫn nhau, bởi trong thủy lôi địch có khả năng gài bẫy, nó có thể tự nổ bất cứ lúc nào nên rất nguy hiểm. Để tháo gỡ được hai quả thủy lôi này, ông Hùng xác định có thể phải trả giá bằng tính mạng. Ông Hùng cho biết: Bộ Tư lệnh Hải quân đã đồng ý và giao nhiệm vụ cho chúng tôi nên bằng mọi giá chúng tôi phải tháo bằng được quả thủy lôi một cách nguyên vẹn để về nghiên cứu, nên dù có khó khăn đến đâu chúng tôi cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này.
Đứng trước 2 quả thủy lôi là một cuộc “cân não” song ông Hùng đã xác định đó là loại chìm đáy không chạm nổ, trong đó một quả MK-50 là thủy lôi cảm ứng từ và quả MK-52 là thủy lôi cảm ứng âm thanh nên quá trình tháo rất nguy hiểm, phải có trình độ kỹ thuật vì thủy lôi rất tinh vi, mỗi quả thủy lôi đều gắn hệ thống điều khiển ở phía sau nên có thể sẽ nổ bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó ông Hùng cùng đồng đội không biết trong quả thủy lôi có chứa chất độc không, bộ phận hẹn giờ được cài đặt ở chỗ nào? Hơn nữa, xác định thủy lôi từ trường, dễ dàng phát nổ khi tiếp xúc với kim loại, mà lúc đó lại không có thiết bị chống nhiễm từ. “ Song đối với tôi và anh em khi học tập và làm nhiệm vụ, sẵn sàng quyết tâm và cảm tử vì trong bài học khong biết quả thủy lôi sẽ nổ khi nào nên chúng tôi phải có tinh thần quyết tâm cao. Tất cả những người làm nhiệm vụ lúc bấy giờ có một tình cảm sâu nặng, thân nhau như gia đình, mỗi người đi làm nhiệm vụ đều không được bàn lùi…”
Dụng cụ ông Hùng mang theo lúc đó chỉ là chiếc cờ - lê để sửa xe đạp. Rồi ông là người đầu tiên tiếp cận với quả thủy lôi. Hai người còn lại đứng ở ngoài xa đề phòng thủy lôi nổ. Khi tiếp cận quả thủy lôi, ông Hùng chụp ảnh lại, sau đó tháo từng ốc - vít, tháo đến đâu đọc to đến đấy, để đồng đội kịp ghi chép. Trong trường hợp thủy lôi phát nổ, người tháo hy sinh, nhưng đồng đội còn lại sẽ biết địch cài bẫy chống tháo ở vị trí con ốc thứ mấy để rút kinh nghiệm. Rồi sau 1 ngày ông Hùng và cộng sự đã vô hiệu hóa quả thủy lôi và chuyển ra vị trí an toàn, ai nấy thở phào và rất vui sướng vì mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhớ lại quả thuỷ lôi đầu tiên tại khu 4 ấy, ông vẫn còn cảm giác hồi hộp xao xuyến. Bởi, ông hiểu hết mức độ nguy hiểm của nó, khối thuốc nổ vài tạ có thể nổ tung bất cứ lúc nào. “Không còn cảm giác, lúc đó tôi chỉ tâm niệm phải tháo bằng được quả thuỷ lôi này, phải hoàn thành nhiệm vụ, chấp nhận rủi ro, sẵn sàng hy sinh”. Giọng ông bỗng hạ xuống, trầm lại. “Chuyên gia Liên Xô khi sang ta huấn luyện đã nói: Trong chiến tranh Thế giới thứ II rất nhiều chiến sỹ công binh Liên Xô đã anh dũng hy sinh để khám phá các bí mật của thuỷ lôi Đức. Công việc của người lính công binh không có thử nghiệm, bởi thử nghiệm đồng nghĩa với sinh mạng của mình”. Một ngày tháo thủy lôi với ông thời gian dài như một thế kỷ...và khi con ốc số 8 cuối cùng ở ngòi nổ được tháo xong, cả hệ thống ngòi nổ được tháo rời khỏi khối thuốc nổ, ông thở phào và hét lên sung sướng. Trần Thanh Hoài và Đào Kỳ chạy lại, 3 anh em ôm chầm lấy nhau mà nước mắt cứ trào rơi. Đào Kỳ và Trần Thanh Hoài giúp ông tháo nốt bộ máy gây nổ phía sau thủy lôi. Việc này cũng vất vả không kém. Ba anh em gồng mình lùa bộ máy gây nổ nặng vài chục cân theo hai đường rãnh ở thành thuỷ lôi đưa ra ngoài. Tiếp đó, quả thuỷ lôi MK-50 được tiến hành tương tự sau hơn một giờ trước nỗi mừng vui khôn xiết của đồng đội.
Bác Trương Thế Hùng đang giới thiệu với PV về cấu tạo của thủy lôi và bom từ trường. |
Còn lần thứ hai, tháng 5-1972, vụ tìm kiếm, tháo gỡ thuỷ lôi ở Đèn Nơm, trên luồng Nam Triệu (Hải Phòng) cũng vất vả không kém. Sau mấy ngày vật lộn với biển, ông cùng đồng đội đã “giải phẫu” quả thuỷ lôi MK-52 trước khi trời sáng trước niềm vui khôn xiết của mọi người. Quả thuỷ lôi 500 kg sau đó đã được đem về phục vụ công tác nghiên cứu, tìm ra tính năng, nguyên lý hoạt động thủy lôi địch, để lực lượng Hải Quân chế tạo những thiết bị, phương tiện rà phá hiệu quả, phá nổ hàng ngàn quả thuỷ lôi Mỹ, làm thất bại âm mưu phong toả sông biển của kẻ thù.
Việc tháo gỡ thành công thủy lôi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tìm ra quy luật hoạt động của thủy lôi, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch chống phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường. Đại úy Trương Thế Hùng xúc động: "Chúng tôi đã có thời lấy ý chí và lòng quả cảm để phá bỏ những vũ khí tối tân nhất của địch. Trong cuộc chiến đấu đó, những người lính hải quân luôn nhắc nhau không được để xảy ra sai lầm. Thế nhưng, đồng đội của tôi vẫn có người hy sinh". Những dụng cụ tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường năm xưa được ông Trương Thế Hùng trao tặng lại Bảo tàng Hải quân để lưu lại một thời chiến đấu gian khổ, hy sinh, đầy quả cảm. “Tôi tặng lại Bảo tàng những kỷ vật cuối cùng với mong muốn góp thêm những hiện vật sống, minh chứng cho cuộc chiến ác liệt chống phong toả thuỷ lôi của Mỹ trên vùng sông biển miền Bắc Việt Nam”./.