Người cống hiến trọn đời cho phát thanh tiếng Nhật trên VOV
VOV.VN - Rất nhiều báo lớn của Nhật Bản đã viết về bà với ý nghĩa vinh danh người có nhiều đóng góp cho mối quan hệ Việt - Nhật.
Hơn 20 năm gắn bó với phát thanh tiếng Nhật của VOV khiến tôi có thói quen lưu trữ những bài báo tiếng Nhật có liên quan đến Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Đối với tôi điều này rất có ích. Không chỉ là để lưu trữ thông tin, mà đôi khi còn giúp gợi mở những cấu tứ, đề tài mới cho các bài viết sau này.
Và hôm nay, khi lần tìm đống tư liệu lưu trữ để viết bài mới, một lần nữa, lợi ích này lại được chứng thực. Bởi, trong số những bài báo của Nhật Bản mà tôi cắt dán có loạt bài gợi cho tôi ý tưởng viết về một người có những đóng góp to lớn cho phát thanh tiếng Nhật của VOV. Đó là bà Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng phòng tiếng Nhật của Đài TNVN. Ngày 25/11/2013 bà đã an nghỉ vĩnh viễn ở tuổi 68 sau hơn 35 năm liên tục cống hiến cho phát thanh đối ngoại của VOV.
Tờ ASAHI – một trong những tờ báo lớn nhất Nhật Bản số ra ngày 7/6/2001 có đăng chân dung khổ lớn của bà Tuyết cùng bài báo có tiêu đề: “Người báo tin chiến thắng từ Việt Nam”.
Bài báo không dài, kể sơ lược về bà Tuyết, về quá trình làm việc tại Đài TNVN của bà cùng cái tên Mai (tên phát thanh viên của bà) rất đỗi thân quen với thính giả Nhật Bản (Nguồn gốc cái tên này là do từ Tuyết rất khó phát âm với người Nhật nên bà đổi là Mai cho dễ đọc) và chuyến thăm Nhật Bản đầy ý nghĩa của bà.
Tác giả bài báo gọi Đài TNVN là cây cầu nối gần như duy nhất giữa Việt Nam với Nhật Bản, và vì vậy mới có chuyến thăm Nhật Bản theo lời mời của những thính giả hâm mộ giọng đọc của Phát thanh viên Mai.
Trước đó, vào ngày 31/5/2001, tờ MAINICHI cũng là một trong những tờ báo lớn nhất Nhật Bản đăng bài về bà Tuyết và chuyến thăm Nhật đặc biệt của bà. Đặc biệt là vì cũng có nhiều người làm phát thanh đối ngoại, thành danh không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, nhưng được thính giả nước ngoài góp tiền để mời đến thăm đất nước của họ thì từ trước đến nay chưa có.
Chưa hết, tờ Kobe còn đăng bài với hàng tít lớn: “Tiếng nói Việt Nam đến Nhật Bản”. Bất cứ ai làm việc ở Đài TNVN đọc được những bài báo này đều có thể cảm thấy tự hào. Bởi vì những gì được tôn vinh không dành riêng cho bà Tuyết mà cho cả Đài TNVN suốt từ những năm máu lửa chiến tranh cho đến tận bây giờ. Có thể nói, đó là một sự kiện lớn đối với giới truyền thông Nhật Bản tại thời điểm đó. Báo chí đã vậy, còn thính giả thì khỏi phải nói.
Trong thời gian được cử sang Nhật để mở Cơ quan thường trú của VOV tại Tokyo, tôi được tiếp xúc với nhiều thính giả Nhật Bản và hầu như không ai là không nhớ đến chuyến thăm đó.
Qua chuyện kể lại của ông Koji Yamada (Thính giả trung thành của VOV trong suốt gần 40 năm, người được coi là một trong những Sáng lập viên của Hiệp hội sóng ngắn Nhật Bản, với những đóng góp to lớn đến mức sau khi ông mất, Hiệp hội này đã chọn ngày sinh của ông làm Ngày truyền thống), không khí lúc đó cảm động lắm.
Thính giả đón bà Tuyết như đón người thân đi xa mới về. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Nhiều người biết tin muộn không đến được thì gọi điện trách ông Hội trưởng không thông báo kịp để họ lỡ mất dịp gặp mặt người phát thanh viên mà mới chỉ nghe tiếng chứ chưa hề gặp mặt. Vì các thính giả ở nhiều vùng khác nhau trên khắp nước Nhật nên không biết mặt nhau. Để tránh tìm nhau mất thời giờ, họ đã nghĩ ra cách cứ xuống ga tàu là vẫy cờ đuôi nheo của VOV để nhận nhau. Thế là, có khi có cả đám đông hàng mấy trăm người tụ tập với rừng cờ VOV phấp phới trong nắng hè Nhật Bản.
Ông Yamada kể: “Cảm động nhất là trong lần giao lưu với Câu lạc bộ bạn nghe đài VOV tại Tokyo, sau khi nghe trực tiếp chương trình phát thanh hôm đó, các bạn Nhật bất ngờ đề nghị: Chị Tuyết ơi, bây giờ chúng tôi sẽ nền nhạc hiệu của VOV còn chị đọc lới xướng nhé! Thế là giai điệu hào hùng của Diệt phát xít được cất lên từ dàn nhạc miệng của hàng trăm người. Bà Tuyết nghẹn ngào khi đọc: Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội….”
Bảo chứng quan trọng cho sự hợp tác giữa NHK và VOV
Phải nói, thành công đó là kết quả của những năm dài phấn đấu không mệt mỏi. Từ khi còn là một nữ thanh niên mới tốt nghiệp đại học cho đến khi về nghỉ hưu, bà Tuyết gắn bó trọn vẹn với VOV tiếng Nhật, vượt qua gian nan của chiến tranh và vượt qua cả những cám dỗ trong thời kỳ đầu của cơ chế thị trường, bỏ qua nhiều lời mời gọi hàng ngàn USD một tháng để chung thủy với đam mê của mình.
Những năm 1993-1995, vì nhiều lý do, phát thanh tiếng Nhật lâm vào “khủng hoảng nhân sự” khi chỉ còn có 3 người đảm nhiệm. Đó là bà Tuyết, ông Phạm Thiện Hoài (đã mất) và bà Tạ Thị Điểm (đã nghỉ hưu) nhưng cánh sóng của VOV hướng về Nhật Bản chưa bao giờ bị đứt đoạn. Vừa làm chương trình, bà Tuyết còn tham gia trực tiếp vào việc đào tạo thế hệ kế cận, chính là nhóm chúng tôi bây giờ. Bà dạy chúng tôi tiếng Nhật, cách làm báo và cả cách làm người.
Khi trả lời câu hỏi đầy ngạc nhiên của tôi về việc bà từ chối lời mời của một công ty Nhật Bản với mức lương gấp 10 lần thu nhập tại VOV, bà cười cười và bảo: “Các cô chú mà bỏ đi nốt thì Đài mất tiếng Nhật à?!”. Câu trả lời giản dị ấy mà phải đến gần 20 năm sau, khi cũng gặp phải những lời mời tương tự tôi mới hiểu và thấm thía.
Vừa đảm nhiệm sản xuất chương trình hàng ngày, vừa trực tiếp đào tạo, bận rộn là vậy nhưng bà không hề quên một nhiệm vụ khác, đó là duy trì quan hệ với các Hãng phát thanh truyền hình Nhật Bản. Bà đã từng nói với tôi: “Mình giúp họ cũng là làm cho mình, vì thông qua họ, sẽ có nhiều người Nhật khác biết đến Đài TNVN. Đây cũng là cách để thu hút thêm thính giả vậy”.
Chính vì lẽ đó, khi Hãng Phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK) làm cầu phát thanh trực tiếp Nhật – Việt lần đầu tiên năm 1997, bà không nề hà bất cứ việc gì mặc dù vô cùng bận rộn. Các bạn Nhật bày tỏ sự biết ơn bằng cách gửi công văn cảm ơn đến Lãnh đạo Đài, trong đó viết: “Nếu không có sự giúp đỡ của chị Mai (bà Tuyết), chúng tôi đã không thể thành công đến thế”.
Còn một chuyện nữa có thể chứng tỏ tầm ảnh hưởng của bà với đối tác Nhật. Số là, đầu năm 2004, với tư cách là Trưởng đại diện của VOV tại Tokyo, tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc ký kết Văn bản hợp tác chính thức lần đầu tiên với NHK. Công việc diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng hơn tôi tưởng (bởi lẽ người Nhật vốn rất thận trọng, làm gì lúc đầu cũng rất mất thời gian). Hình như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, ông Kato (lúc đó là Giám đốc NHK World) nói rất thẳng thắn: “Đúng là còn nhiều điều cần tìm hiểu. Nhưng chúng tôi biết ở VOV có chị Mai. Đó là bảo chứng quan trọng cho hợp tác lâu dài giữa NHK và VOV”.
Hai mươi năm làm phát thanh đối ngoại, tuy chưa thấm vào đâu so với bà Tuyết nhưng cũng đủ để tôi thấm thía hết nỗi niềm của nghiệp dĩ. Gọi là nghiệp không sai, bởi, đây là công việc thầm lặng, nặng nhọc, thậm chí còn có nơi, có lúc còn chưa được nhìn nhận đúng mức. Nhưng những điều đọc được, nghe được, nhìn được từ bà Tuyết chí ít cũng làm với đi mặc cảm nghề nghiệp.
Không biết có ai giống tôi, hơn một lần từng chán khi vướng chân vào nghề làm phát thanh đối ngoại?! Nếu có chắc người ta cũng hiểu ra một điều rất đơn giản là: xung quanh mình còn nhiều điều tốt đẹp, nhưng để đến được cần một sự nỗ lực không mệt mỏi. Chuyện của bà Nguyễn Thị Tuyết chẳng phải là một minh chứng đó sao?! Và, tôi viết bài này như thắp một nén tâm nhang trước hương hồn của người đã cống hiến trọn vẹn cho VOV tiếng Nhật./.