Người dân Hà Nội vẫn “cố thủ” trong các chung cư chờ sập
VOV.VN -Hầu hết các chung cư ở Hà Nội được xây từ những năm 70-80 của thế kỷ trước và đang bị xuống cấp. Dù biết nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải ở.
Thành phố Hà Nội hiện có gần 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 đến 5 tầng. Hầu hết các chung cư được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước và đang bị xuống cấp. Trong đó, hàng chục chung cư xuống cấp ở mức độ D, mức rất nghiêm trọng.
Khu tập thể G6A được thành phố Hà Nội xác định mức độ xuống cấp ở cấp độ D, cấp độ rất nguy hiểm và phải di dời 49 hộ dân ra khỏi chung cư này. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện công tác di dời, vẫn còn 20 hộ dân không chịu chuyển đi. 29 hộ khác đã được chuyển đến lô E, khu đô thị Yên Hòa cách đó không xa.
Biển cảnh báo nguy hiểm được UBND phường gắn ở các cầu thang. |
“UBND phường không đủ khả năng để thẩm định chung cư có nguy hiểm hay không, nhưng quan sát bằng mắt thường, những nhà nào, vị trí nào nguy hiểm, chúng tôi có công văn niêm yết ở các bảng tin và yêu cầu khu dân cư, tổ dân phố nhắc nhở. Đến mùa mưa bão, thời tiết nguy hiểm, chúng tôi thường thông tin qua hệ thống loa truyền thanh, qua bảng tin của tổ dân phố. Bây giờ, nhà nào cũng có 1 bể nước trên nóc mới đủ nước sinh hoạt nên nhà đã cũ lại thêm nguy hiểm”- ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.
Người dân khóa cửa ra vào cầu thang, ngay bên cạnh biển báo nguy hiểm. |
Trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu và có ý định đầu tư cải tạo chung cư cũ nhưng đều vướng phải nhiều thủ tục, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, do thiếu quy định cụ thể hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ, không quy định phân cấp cho cấp quận, nên không phát huy được sức mạnh tự chủ của các cấp trong việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ.
Cảnh nhếch nhác, bong tróc trong khu tập thể G6A Thành Công. |
Theo quy trình, sau 12 tháng khi Sở Xây dựng tỉnh, thành phố đăng kết quả kiểm định các chung cư cần xây dựng lại, cư dân trong các khu chung cư đó tiến hành họp để lựa chọn nhà đầu tư. Phải có trên 51% các chủ sở hữu căn hộ đồng ý thì thỏa thuận giữa hai bên thì mới được tiến hành. Sau đó 12 tháng, chủ đầu tư không thỏa thuận được với các chủ sở hữu căn hộ thì Sở Xây dựng mới thay mặt cư dân để thẩm định năng lực của nhà đầu tư và cho phép chủ đầu tư tiến hành bước tiếp theo.
Như vậy, khâu tiếp cận của doanh nghiệp với dự án đã mất 2 năm. Đó là chưa kể những vướng mắc khác về giấy tờ nhà, giá đền bù và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khi tiến hành giải tỏa, đền bù.
Hoạt động đốt vàng mã và nấu nướng bằng bếp than tổ ong ngay ở cầu thang. |
Một số hộ dân trong khu tập thể G6A Thành Công đề nghị kiểm định lại. |
Với chức năng nhiệm vụ của mình, UBND phường, nơi có các chung cư cũ bị xuống cấp nghiêm trọng phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình để hỗ trợ người dân khi có tình huống xấu xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Sẽ rất nguy hiểm cho người dân ở trong những chung cư chờ sập, bởi sự rủi ro đã được dự báo trước./.
Nơm nớp sống trong chung cư xuống cấp
Chung cư xuống cấp ở TP HCM khiến nhiều người sợ hãi