Người dân khổ vì Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính “treo“
VOV.VN - 19 năm nay gần 300 hộ dân Tổ 14 Phường Lê Hồng Phong- TP Quảng Ngãi sống tạm bợ vì dự án treo.
Tranh thủ những ngày nắng ráo, ông Trần Quang ở tổ 14, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi vác cuốc ra vườn làm đất, chuẩn bị tỉa bắp vụ Đông Xuân. Gần 20 năm qua, gia đình ông cùng gần 1.000 hộ dân nơi đây chỉ biết quanh quẩn với nghề trồng bắp, trồng bông rồi lại nuôi bò. Bởi vậy tổ 14 này mới có tên gọi là “Làng 3B”.
“Nếu lãnh đạo tỉnh quyết định làm thì phải làm sớm, đưa dân chúng tôi tái định cư để người dân chúng tôi khỏi phải chờ đợi, đời sống ổn định; còn nếu không thì huỷ bỏ qui hoạch này đi”, ông Quang kiến nghị.
Năm 1997, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định quy hoạch chi tiết Khu dân cư bãi bồi Nam sông Trà Khúc. Đến năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh qui hoạch Khu Trung tâm hành chính tỉnh tại Khu đê bao II, thuộc tổ 14, phường Lê Hồng Phong, với diện tích khoảng 16,5ha. Đến năm 2008, UBND tỉnh quyết định quy hoạch khu vực này thành Trung tâm Hành chính tỉnh. Năm 2012, Dự án này lại được điều chỉnh thành Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Phạm Viết Ất, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi cho biết: Việc chính quyền công bố quy hoạch và có quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai trong một thời gian dài đã hạn chế các quyền lợi về đất đai và gây nhiều khó khăn đối với người dân.
“Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân chỉ mong là qui hoạch sớm để họ ổn định cuộc sống. Việc qui hoạch như thế nào thì các cấp thẩm quyền xem xét. Hiện nay họ không có quyền lợi gì hết”, ông Phạm Viết Ất cho biết.
Ông Nguyễn Cao Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Nguồn vốn để thực hiện xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh hơn 1.500 tỷ đồng, bao gồm kinh phí xây dựng, bồi thường và tái định cư. Nguồn vốn này được huy động từ nguồn bán trụ sở thuộc sở hữu Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước, quỹ đất và các nguồn khác theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, việc huy động các nguồn vốn này đang gặp nhiều khó khăn.
“Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương trình Ban thường vụ tỉnh uỷ xin chủ trương thực hiện dự án này càng sớm, càng tốt. Có thể là xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính, hoặc là Khu đô thị dịch vụ, sau đó để triển khai thực hiện công tác đền bù, tái định cư cho dân”, ông Phúc đề nghị.
Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Phải xuất quỹ phát triển đất và quỹ đầu tư của tỉnh để ưu tiên cho việc này. Trong năm 2015 này, nguồn thu từ khai thác quỹ đất sẽ ưu tiên cho việc bồi thường, tái định cư, tạo lập cuộc sống mới cho bà con trước. Sau đó, mới tìm nguồn vốn xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính”.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND thành phố Quảng Ngãi nghiên cứu, sớm triển khai phương án tái định cư cho người dân vùng dự án. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Khu trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh và huy động nguồn lực để triển khai xây dựng./.