Người dân khốn khổ với các cơ sở sơ chế mực xà tự phát
VOV.VN - Nhiều năm qua, các cơ sở sơ chế biến mực xà quy mô hộ gia đình tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Toàn bộ nước thải rửa mực được xả trực tiếp ra mương và chảy xuống đầm Đề Gi, ảnh hưởng đến nguồn nước. Chính quyền các cấp tỉnh Bình Định đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt tình trạng này.
Ngôi nhà ông Đỗ Thanh Trúc, ở thôn An Quang Đông, xã Cát khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nằm sát các hộ dân sản xuất mực xà. Những ngày cao điểm sơ chế mực xà, gia đình ông Trúc phải đóng kín cửa vì mùi hôi thối từ nước thải của các cơ sở sản xuất mực xà xộc vào nhà. Nhiều lúc đang bữa cơm nhưng gia đình ông Trúc cũng phải bỏ ăn vì mùi hôi từ nước thải mực xà bốc lên.
Ông Đỗ Thanh Trúc cho biết, trước đây các cơ sở mực xà xả thải trực tiếp ra các con mương rồi chảy thẳng ra đầm Đề Gi. Từ khi Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định triển khai dự án tuyến kè chống sạt lở đầm Đề Gi kết hợp giao thông từ Cầu Ngòi đến cảng Đề Gi và dự án khu dân cư An Quang Tây thì nước thải mực xà bị ứ đọng nhiều và hôi thối hơn.
“Bây giờ, các hộ dân xẻ mực xà liên tục, trừ trường hợp từ ngày rằm đến 23 âm lịch hàng tháng thì vắng chút. Còn khi mực xẻ rồi thì nó thối miết tới ngày rằm. Giờ con cháu có ảnh hưởng phổi cũng phải chịu thôi chứ làm sao giờ. Nhờ Nhà nước nghiên cứu giúp bà con xử lý khâu nước thải trong sạch, giảm ô nhiễm môi trường”, ông Trúc nói.
Những ngày nắng nóng, nhiều cơ sở sơ chế mực xà ở 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây, xã Cát Khánh đều thải nước ra các con mương. Tại những vùng nước thải mực xà đọng lại, cây cối chết khô. Hiện, tại xã Cát Khánh có 46 hộ dân hoạt động sơ chế mực xà tự phát, tập trung ở 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây, mỗi cơ sở có hơn 10 lao động.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cho biết, địa phương đã nhiều lần họp với các hộ sơ chế mực xà, yêu cầu các hộ này ký cam kết chấm dứt việc sơ chế mực xà. Bên cạnh đó, UBND xã Cát Khánh cũng thành lập tổ công tác liên ngành xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do sơ chế mực xà trên địa bàn xã. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ sơ chế mực xà gây ra chưa được giải quyết dứt điểm: “Việc sản xuất mực xà đem lại lợi nhuận cao. Lượng mực xà chủ yếu của các tàu đánh bắt theo Nghị định 67 ở các tỉnh, thành từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Quảng Ngãi đều tập trung về xã Cát Khánh để sản xuất. Do đó giải quyết triệt để vấn đề này còn khó khăn. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân làm sao để chuyển đổi nghề và không sản xuất mực xà, trả lại môi trường an toàn cho địa phương”.
Tháng 6 năm nay, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã lấy 15 mẫu nước thải, chất thải tại các cơ sở sơ chế mực xà ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát để kiểm định. Theo kết quả phân tích mẫu nước thải của 15 cơ sở này, có từ 5-6 chỉ tiêu trong nước thải vượt từ 3-10 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản. Từ kết quả này, UBND huyện Phù Cát đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 hộ dân vi phạm với mức xử phạt từ 24 triệu đồng đến 67,5 triệu đồng, tổng mức xử phạt các trường hợp vi phạm lên tới 613 triệu đồng. UBND huyện Phù Cát cũng yêu cầu các hộ dân thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế mực xà gây ra và xây dựng công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, sở đang phối hợp với các ngành chức năng xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất mực xà gây ra: “Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn địa phương để thực hiện. Còn địa phương ngoài việc thực hiện các nội dung như lâu nay rồi thì đề nghị công khai thông tin việc xử lý cho người dân biết. Bởi vì người dân bị ô nhiễm môi trường người ta nghĩ rằng chính quyền địa phương không xử lý rốt ráo cho nên họ có khiếu kiện đông người. Chúng tôi cũng hướng dẫn các địa phương mời hết các cơ sở lên để phổ biến các quy định, đồng thời lắng nghe các tâm tư nguyện vọng của người dân, có hướng giải quyết cho phù hợp”./.
Hình ảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chất thải từ các hộ sản xuất mực xà: